Khó nhưng không phải không có cách
Tham quan mô hình thực hành ESG tại một nhà máy ở Khu công nghệ cao TPHCM, nhiều người sẽ bất ngờ với không gian nhà ăn dành cho người lao động tại đây.
Bất ngờ vì nhà ăn này không khác gì một khu ẩm thực trong các trung tâm thương mại với không gian rộng lớn có điều hòa, bàn gỗ sang trọng, những quầy ăn bày bán đủ loại thực phẩm, khu trái cây và nước ép miễn phí, gian hàng cà phê riêng và có cả cửa hàng tiện lợi.
Tiền ăn hàng tháng, doanh nghiệp chi trả vào một thẻ điện tử và người lao động chỉ có thể dùng thẻ này để ăn uống, mua sắm thực phẩm tại nhà ăn, đảm bảo họ sử dụng đúng mục đích số tiền trên.
Cạnh khu nhà ăn là nhà thi đấu đa năng dành cho các hoạt động thể thao như bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông…
Đối diện nhà thi đấu là phòng tập gym với các thiết bị hiện đại và có cả huấn luyện viên chuyên nghiệp. Sát bên là phòng âm nhạc với đủ loại nhạc cụ và tầm nhìn hướng ra sân nhà máy…
Ngoài giờ làm, người lao động trong nhà máy có thể thụ hưởng toàn bộ không gian ẩm thực, giải trí, thể thao này 24/24.
Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), chế độ phúc lợi tốt như trên ngoài việc đáp ứng các tiêu chí thực hành tiêu chuẩn S (social – xã hội) trong ESG còn giúp người lao động gắn bó với doanh nghiệp, ít nhảy việc và doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng, đào tạo; đồng thời, lao động thoải mái thì năng suất làm việc cao hơn.
Là người có nhiều năm tham gia đánh giá thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), nay thêm chỉ số mới là ESG, ông Nguyễn Đức Lộc nhận thấy mối quan tâm của doanh nghiệp đến phát triển bền vững ngày càng lớn và quy mô ngày càng mở rộng. Không chỉ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà cả doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia nhiều.
Cách đây 10-15 năm, nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ trong việc triển khai các chương trình phát triển bền vững, đầu tư vào cộng đồng, hoạt động đơn giản chỉ là từ thiện, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã có những cách làm theo hướng bền vững, đầu tư vào các mục tiêu phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương, có bộ phận chuyên trách cho hoạt động này.
TS Nguyễn Đức Lộc dẫn chứng trường hợp một công ty sản xuất đồ chơi tại Bình Dương, để thực hiện hoạt động đầu tư vào cộng đồng, họ khảo sát nhu cầu của trẻ em nhập cư tại địa phương công ty hoạt động, sau đó lên phương án hỗ trợ tối ưu, kết hợp với các tổ chức xã hội địa phương để thực hiện…
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa biết triển khai tiêu chuẩn S như thế nào cho hiệu quả với nhiều lý do như: Chi phí đầu tư lớn; tiêu chuẩn S có nhiều chỉ số mà pháp lý chưa rõ ràng, có khoảng cách nhất định giữa chính sách trong nước và các chỉ tiêu quốc tế…
TS Nguyễn Đức Lộc cho rằng, tuy thực hành ESG hiện nay còn nhiều khó khăn vì lý do khách quan lẫn chủ quan nhưng nếu có giải pháp phù hợp thì doanh nghiệp vẫn thực hiện được ESG trong điều kiện của mình.
Ông lấy ví dụ về trường hợp một nhà máy giày da, may mặc tại Bình Dương mà Viện Social Life từng tư vấn. Theo yêu cầu của đối tác, đơn vị này phải hạn chế người lao động tăng ca, tuân thủ thời gian làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, công nhân Việt Nam lại có nhu cầu tăng ca để tăng thu nhập. Nếu công ty giảm giờ làm, trong khi các công ty xung quanh cho tăng ca thì dễ mất lao động, công nhân sẽ bỏ sang công ty khác làm việc.
Để giải quyết vấn đề này, Social Life đã tư vấn cho doanh nghiệp thực hiện các mô hình phúc lợi bổ sung cho công nhân như hợp tác với các khu nhà trọ để hỗ trợ giá thuê cho công nhân công ty, hợp tác với cơ sở giáo dục mở nhà trẻ ngay trong khuôn viên nhà máy để chăm sóc con em công nhân trong thời gian họ làm việc…
Với những hỗ trợ trên, khoản thu nhập bị giảm do người lao động không tăng ca được bù đắp gián tiếp. Đó là chi phí sinh hoạt hằng tháng của họ giảm xuống nhờ bớt tiền nhà trọ, tiền học cho con… Trong khi đó, thời gian làm việc ít hơn, người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động hiệu quả hơn.
“Không có mô hình nào có thể áp dụng cho tất cả. Tùy đặc thù và bài toán của từng doanh nghiệp mà có mô hình khác nhau. Tuy nhiên, trường hợp trên cho thấy, chỉ cần chúng ta muốn làm thì sẽ có cách”, ông Lộc nhấn mạnh.
Trong khó khăn luôn có cơ hội
Theo bà Võ Ngọc Tuyền, sáng lập Dear Our Community (DOC, đơn vị tư vấn truyền thông và đào tạo nhân sự làm công tác phát triển bền vững), triển khai thực hành ESG tại Việt Nam còn khó khăn vì ESG khá mới với các doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp nội địa vốn phát triển từ hình thức doanh nghiệp gia đình có lịch sử chỉ vài chục năm.
Các công ty đa quốc gia còn có mô hình từ công ty mẹ để tuân thủ, điều chỉnh cho phù hợp với địa phương là có thể ứng dụng. Còn doanh nghiệp thuần Việt phải mày mò, học hỏi từ đầu. Nhất là thực hành các chỉ tiêu của tiêu chuẩn trong chữ “S” – thứ tiêu chuẩn rất linh hoạt vì liên quan nhiều đến yếu tố con người.
Một khó khăn khác là nhân sự thực hành ESG tại Việt Nam còn rất ít, rất thiếu chuyên gia am hiểu để triển khai thực tế mà chủ yếu là các doanh nghiệp thực hành dựa vào các đơn vị tư vấn.
Nhân sự làm ESG tại doanh nghiệp hiện tại chủ yếu được điều chuyển từ bộ phận nhân sự, pháp lý sang hoặc chính nhân viên nhân sự kiêm nhiệm cả công tác này.
Theo Báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 của PwC Việt Nam, có đến 80% doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết hoặc có kế hoạch thực hành ESG trong 2-4 năm tới. Tuy nhiên, nói thì dễ, hành động mới thực sự là vàng.
Khảo sát của PwC Việt Nam cho thấy, có đến 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát không có hoặc rất ít khi công bố báo cáo ESG ra bên ngoài. Trong các doanh nghiệp công bố thì chỉ có 36% doanh nghiệp xác nhận báo cáo ESG của họ được soát xét và xác minh bởi các đối tác độc lập bên ngoài.
Nhiều chỉ tiêu khảo sát khác của PwC Việt Nam về quá trình xử lý dữ liệu ESG, mục tiêu và chỉ số ESG, cơ cấu quản trị ESG… đều cho thấy còn tồn tại khoảng cách lớn giữa cam kết và hành động của doanh nghiệp.
Theo TS Nguyễn Đức Lộc, các doanh nghiệp không nên xem xét việc thực hành ESG như một yêu cầu phải thực hiện để đáp ứng áp lực đến từ đối tác, khách hàng và người lao động mà nên xem xét ở khía cạnh thực hiện ESG để phát triển bền vững, nâng cao uy tín để phát triển. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp có tầm nhìn, biết đầu tư theo xu thế tương lai.
TS Nguyễn Đức Lộc cho biết, quy trình tra soát chất lượng hàng hóa quốc tế hiện nay đều thực hiện theo chuỗi. Cho dù sản phẩm của doanh nghiệp không có vấn đề mà các chỉ số ESG cũng như các chỉ tiêu phát triển bền vững khác không đạt thì sản phẩm cũng không được chấp nhận, không được vào các thị trường khó tính.
Thậm chí, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đó không có vấn đề gì nhưng chỉ cần một đơn vị trong chuỗi cung ứng như đơn vị cung cấp nguyên vật liệu, đơn vị gia công, đơn vị vận chuyển… xảy ra các vấn đề liên quan đến ESG, đặc biệt là chữ S thì sản phẩm của họ cũng không được chấp nhận.
Theo ông, những doanh nghiệp sử dụng lượng lao động lớn được xem là mối nguy hiểm vì không biết lúc nào xảy ra các vấn đề về các chỉ số xoay quanh chữ S này. Trước đây, doanh nghiệp nước ngoài thường đối phó bằng cách cắt các khâu gia công sử dụng nhiều lao động, đưa khâu này đến các nước có pháp lý lao động thoáng hơn.
Tuy nhiên, với quy trình tra soát theo chuỗi hiện nay, không “lách” được nữa, các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển bền vững ở tất cả các khâu. Do đó, đầu tư ESG thực sự là nhằm mục tiêu duy trì hoạt động, tăng cường uy tín, mở rộng quy mô, phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp.
Với các doanh nghiệp nội địa chưa bị áp lực từ đối tác, TS Nguyễn Đức Lộc đề nghị vẫn nên nghiên cứu, triển khai ESG cũng như các chỉ tiêu phát triển bền vững khác để chuẩn bị sẵn sàng cơ sở pháp lý, lý lịch hoạt động chờ đón những cơ hội trong tương lai.
“Doanh nghiệp không cần thay đổi hoàn toàn ngay mà có thể thực hành từng bước theo điều kiện của mình hiện tại, thực hành với đối tác hiện có của mình để tăng dần uy tín, đáp ứng dần các chỉ tiêu cho đến khi hoàn thiện”, ông hướng dẫn.
Theo Viện trưởng Social Life, nếu doanh nghiệp đã hoàn thiện ESG và công bố rõ ràng, khi các chuỗi cung ứng quốc tế thiếu một khâu phù hợp lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, hoàn toàn có thể xem xét mời họ tham gia.
Với quy trình tra soát theo chuỗi ngày càng chặt chẽ hiện nay, những doanh nghiệp không đạt hay xảy ra sự cố sẽ phải rời chuỗi cung ứng. Hoặc khi các chuỗi cung ứng quốc tế nhắm đến thị trường Việt Nam, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng lý lịch ESG tốt sẽ là ứng viên tiềm năng. Với doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng, họ sẽ có khả năng nắm bắt khi cơ hội đến hoặc tự tìm cơ hội cho mình.
Theo TS Nguyễn Đức Lộc, các chỉ tiêu thực hiện mục tiêu phát triển bền vững có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung theo thời gian. Tuy nhiên, mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội là mục tiêu xuyên suốt, không thay đổi. Hầu hết các chỉ số trong tiêu chuẩn chữ S đều hướng đến mục tiêu này.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply