Chỉ với diện tích 10.000m2, sau gần 4 năm trồng thử nghiệm, mô hình tre điền trúc lấy măng của ông Trần Ngọc Dũng (64 tuổi, ở phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Dũng cũng là nông dân đầu tiên ở xứ dừa Tam Quan – thị xã Hoài Nhơn trồng tre điền trúc lấy măng cho thu nhập ổn định.
Theo ông Dũng, trước đây ông từng là cán bộ xã Tam Quan Nam, phụ trách kinh tế nên có dịp đi tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế điển hình trong và ngoài tỉnh. Trong đó, loại cây trồng mà ông ấp ủ nhất là mô hình trồng tre điền trúc lấy măng.
Năm 2019, sau khi nghỉ hưu, ông Dũng đầu tư gần 100 triệu đồng cải tạo lại 10.000m2 đất của gia đình trước đây đã trồng một số loại cây ăn quả nhưng không hiệu quả, để chuyển qua trồng tre điền trúc.
Đầu năm 2020, ông Dũng vào Tiền Giang học hỏi kinh nghiệm chăm sóc và mua 300 gốc tre giống từ nhà vườn uy tín về trồng thử nghiệm trên diện tích 5.000m2.
Chỉ gần 2 năm sau, trên 100 gốc tre điền trúc đã cho thu hoạch măng. Mỗi ngày ông cắt 15-20 búp măng, mỗi búp nặng 2-3kg, bình quân khoảng 50kg, giá bán sỉ tại vườn cho thương lái 8.000-10.000đồng/kg.
“Măng được giá nhất là vào dịp Tết, khoảng 15.000-20.000 đồng/kg nhưng không có măng để bán. Nhất là những đợt tàu thuyền của bà con ngư dân ra khơi khai thác hải sản, mỗi ngày tôi thu hoạch 70-80kg măng bán cho chủ tàu”, ông Dũng phấn khởi.
Đến nay, sau 4 năm trồng, chăm sóc và nhân rộng, vườn tre lấy măng của ông đã có 500 bụi tre, trong đó có 350 bụi cho thu hoạch.
“Bây giờ, mỗi tháng gia đình tôi thu nhập tàng tàng cũng được 10-15 triệu đồng từ tiền bán măng”, ông Dũng nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng tre điền trúc lấy măng, ông Dũng cho biết, trồng tre điền trúc không khó, vốn đầu tư thấp lại cho thu hoạch trên dưới 10 năm, nhưng phải biết cách chăm sóc thì tre mới phát triển tốt và đẻ nhiều măng.
Mỗi bụi tre 2-3 cây loại 3 năm tuổi và dưỡng thêm 2-3 cây tre loại 1 năm tuổi.
Cũng theo ông Dũng, nếu trồng trên nền đất tơi xốp, đủ độ ẩm, khoảng 18 tháng sau, cây tre bắt đầu cho măng, đến năm thứ 2 trở đi sẽ cho nhiều măng hơn.
“Vào mùa hè hay thời tiết hạn hán, để cho tre liên tục cho măng, cần phải tập trung chăm sóc, dọn dẹp vườn tre, cắt tỉa cành lá, xới gốc bón phân và tưới nước cách ngày cho vườn tre. Khi chồi măng nhú lên, lấy cỏ, rơm ủ lại để măng lớn, không bị côn trùng phá hoại”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Ngoài thu nhập từ măng, vườn tre điền trúc còn cho ông một khoản thu không nhỏ khác từ việc bán thân tre già làm giàn phơi bún, bánh tráng, nguyên liệu đan, lát… nhờ đó, ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Dũng cho biết thêm, dự kiến trong năm tới khi 500 bụi tre cho măng đồng loạt, ngoài việc chiết cành ươm giống bán cho người dân có nhu cầu, ông sẽ chế biến sản phẩm măng khô, măng chua để tăng thêm giá trị thu nhập.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tam Quan Nam, nhận xét: “Làm giàu ở nông thôn thì có nhiều cách, nhưng làm giàu từ mô hình trồng tre điền trúc lấy măng của ông Dũng thì quả là “độc tôn” bởi không đụng hàng lại cho thu nhập cao”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply