Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lao động, phát triển bền vững cùng tập trung bàn thảo, giải đáp những vấn đề, vướng mắc thực tế với các doanh nghiệp tại hội thảo “Nhân lực bền vững – Trung tâm của chữ “S” trong ESG?” diễn ra sáng nay, 30/10, tại Hà Nội.
Những chuyên gia với bề dày kinh nghiệm trong nước góp mặt tại sự kiện như: ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI); TS Lê Thái Hà – Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture, Giám đốc Điều hành Quỹ Vì tương lai xanh; TS Bùi Thanh Minh – Phó giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV).
Hội thảo còn có sự góp mặt của các chuyên gia nước ngoài nhiều năm làm việc trong lĩnh vực quản lý lao động, vận hành doanh nghiệp, như bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam; ông Chaturon Thipphiansak, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH SCG Việt Nam.
Diễn giả đến từ các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam; ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, Phó chủ tịch thường trực Hội Dệt may, thêu đan TPHCM.
Với sự góp mặt của những chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm cùng lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, hội thảo sẽ là diễn đàn để thảo luận ra những giải pháp tốt nhất giúp triển khai yếu tố xã hội (chữ “S” trong ESG) tại các doanh nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.
Thực tế, sau 15 năm theo dõi, khảo sát tình hình lao động trên địa bàn TPHCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố (Falmi) nhận định, định hướng phát triển bền vững ESG (gồm Environmental – Môi trường, Social – Xã hội, Governance – Quản trị) đang nổi lên như một khung tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, trong 3 yếu tố trên, chữ “S” – Xã hội là trung tâm của bộ tiêu chuẩn ESG, thể hiện sự tương quan rất rõ với việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững cho doanh nghiệp.
Bởi yếu tố này nhấn mạnh về các vấn đề liên quan đến người lao động, như: Sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc; chính sách tuyển dụng và thăng tiến; nhu cầu cơ bản và phúc lợi của người lao động…
Nếu doanh nghiệp thực hiện tốt chữ “S” thì người lao động được đãi ngộ tốt, gắn bó với doanh nghiệp, cải thiện năng suất lao động. Doanh nghiệp thêm uy tín, thu hút nhiều nhân tài.
Ngoài ra, việc doanh nghiệp thực hiện tốt 2 yếu tố còn lại trong ESG (chữ “E” và chữ “G”) cũng có mối quan hệ chặt chẽ với đối tượng chính trong việc phát triển nhân lực, đó là người lao động.
Bởi khi thực thi tốt các chính sách môi trường (Environmental), doanh nghiệp sẽ góp phần cải thiện môi trường sống nói chung và môi trường làm việc nói riêng, ảnh hưởng đến sức khỏe và phúc lợi của người lao động.
Khi doanh nghiệp thực hành tốt yếu tố quản trị (Governance), việc quản trị minh bạch và có trách nhiệm sẽ giúp củng cố niềm tin của nhân viên với tổ chức.
Với sự tương quan trên, khi doanh nghiệp thực hiện tốt tất cả các chỉ tiêu ESG thì đồng nghĩa với việc họ sẽ xây dựng được một nguồn nhân lực bền vững cho đơn vị mình.
Ở bình diện quốc gia, càng nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt chữ “S” nói riêng và ESG nói chung, nguồn nhân lực của quốc gia càng bền vững khi hầu hết lực lượng lao động được đãi ngộ tốt; được tạo điều kiện nâng cao trình độ, kỹ năng; có lộ trình thăng tiến rõ ràng…
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát hơn 15.000 doanh nghiệp của Falmi cho thấy thực tế thực hiện các chỉ tiêu của yếu tố S của các doanh nghiệp tại thành phố lớn, phát triển nhất nước chưa thực sự phổ biến.
Những phúc lợi mang tính cơ bản như thưởng Tết, nghỉ dưỡng sức hằng năm, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề… đều ở mức khiêm tốn, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện.
Đó là những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam phải giải quyết trên con đường phát triển bền vững, xây dựng nguồn nhân lực bền vững.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply