Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, trong tháng 9, trung tâm đã tiếp nhận 10.693 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 2.764 hồ sơ (tương ứng giảm 20,54%) so với tháng 8 (13.457 hồ sơ).
Trong đó, tổng số hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công một cửa TPHCM là 8.422 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 78,76% tổng số hồ sơ tiếp nhận trong tháng 9 (10.693 hồ sơ).
Nếu tính trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm tiếp nhận 114.987 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, tổng số hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công một cửa TPHCM là 40.887 hồ sơ, chiếm 35,56% tổng số hồ sơ tiếp nhận trong 9 tháng đầu năm (114.987 hồ sơ).
Trong tháng 10, Trung tâm tiếp nhận 11.129 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 436 hồ sơ (tương ứng tăng 4,08%) so với tháng 9 (10.693 hồ sơ). 100% hồ sơ đã được Trung tâm giải quyết trên Cổng Dịch vụ công.
Trong đó, số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia là 4.556 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 40,94%); số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến trên Cổng dịch vụ công một cửa TPHCM là 567 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 5,09%); 6.006 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 53,97%) tiếp nhận trực tiếp được trung tâm bố trí cán bộ số hóa, đưa lên Cổng dịch vụ công một cửa TPHCM để giải quyết.
Những con số trên cho thấy tỷ lệ hồ sơ nộp hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến của người lao động TPHCM đang tăng rất nhanh.
Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM bắt đầu tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và trả kết quả trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 4/4/2022 và trên Cổng dịch vụ công của TPHCM từ ngày 1/4/2023. Thống kê năm 2023, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến chỉ hơn 13,66%
Sau hơn 1 năm thực hiện, ngành LĐ-TB&XH tổ chức tuyên truyền, tỷ lệ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến đang tăng cao, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số hồ sơ.
Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, để có được thành quả trên, ngoài nỗ lực tuyên truyền, cán bộ trung tâm dịch vụ việc làm còn phải tăng cường làm thêm giờ để tiếp nhận, số hóa, giải quyết hồ sơ…
Con số tăng trưởng nhanh chóng trên cho thấy hình thức nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến theo Đề án 06 của Chính phủ là thuận lợi cho người lao động, được nhiều người hưởng ứng.
Đồng thời, đây cũng là cơ sở để số hóa dữ liệu lao động, liên thông dữ liệu với các ngành liên quan như BHXH, quản lý hành chính…
Phát huy hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến, tại các hội nghị góp ý xây dựng dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, nhiều đại biểu đề nghị cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho các thủ tục liên quan đến trợ cấp thất nghiệp như thông báo tình hình việc làm…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, việc thông báo tình hình việc làm trực tiếp là để theo dõi tình trạng việc làm của người lao động, tránh chi sai trợ cấp thất nghiệp khi người lao động rơi vào các trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp.
Đồng thời, việc quy định người thất nghiệp trực tiếp thông báo tình hình việc làm hằng tháng cũng là dịp để các trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề… nhằm giúp người lao động sớm tìm được việc làm và quay lại thị trường lao động.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply