12 doanh nghiệp Hàn Quốc đến hội chợ việc làm dành cho lao động Việt Nam hồi hương kỳ vọng tìm được nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là những ứng viên thông thạo tiếng Hàn. Song, thực tế các nhà tuyển dụng vẫn không tìm được người như ý, ngay cả khi đưa ra mức lương rất hấp dẫn.
Bà Dương Hồng Vân, phụ trách nhân sự của một công ty mạ phủ linh kiện tại Thái Nguyên, đến hội chợ việc làm với nhiệm vụ tìm người cho ba vị trí: phiên dịch viên, kế toán, và quản lý sản xuất.
Sau ba tiếng ngồi ở bàn phỏng vấn, đại diện doanh nghiệp chỉ tìm được ứng viên cho vị trí kế toán và đang cân nhắc một người ở vị trí quản lý sản xuất. Còn vị trí quan trọng nhất theo mong đợi là phiên dịch viên, bà Vân không tìm được nhân sự đạt yêu cầu.
Theo bà Vân, công ty muốn tìm người giỏi tiếng Hàn để dạy tiếng Việt cho nhân viên người Hàn Quốc và dạy tiếng Hàn cho bộ phận văn phòng. Với doanh nghiệp FDI hơn 1.000 nhân sự, trong đó có nhiều người Hàn Quốc, bà Vân cho biết vị trí này rất quan trọng để đảm bảo sự thông suốt trong giao tiếp và văn hóa làm việc.
Dù đã đăng tin tuyển dụng từ hai tháng trước qua nhiều kênh nhưng công ty của bà Vân chỉ nhận được một số hồ sơ có trình độ trung bình.
“Một số ứng viên đáp ứng yêu cầu thì lại ngại di chuyển vì công ty ở Thái Nguyên, họ chỉ chấp nhận đi làm nếu có xe đưa đón từ Hà Nội và trở về trong ngày. Các ứng viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do thiếu kinh nghiệm thực tế.
Mức lương 20-30 triệu đồng mà công ty đưa ra không phải thấp nhưng vẫn không tìm được người đạt yêu cầu”, bà Vân nêu thực tế.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, quản lý nhân sự tại Công ty Dongguk – chuyên sản xuất găng tay cao su ở Phú Thọ, cũng gặp khó khăn trong việc “tìm người phù hợp”.
Công ty chị Hằng cần tuyển các vị trí như quản lý xưởng sản xuất, kỹ sư điện máy và nhân viên văn phòng với mức lương từ 10-15 triệu đồng. Các công việc này đòi hỏi ứng viên có tiếng Hàn cơ bản và kinh nghiệm quản lý chung, nhưng phần lớn ứng viên lại chỉ thành thạo sửa chữa máy móc mà thiếu kỹ năng quản lý cần thiết.
“Với mức lương đưa ra, tôi nhận thấy công ty chỉ có thể tuyển lao động phổ thông, còn để tìm được người thành thạo tiếng Hàn và kỹ năng quản lý thì rất khó. Những người đáp ứng được công việc thì lại chưa thỏa thuận được mức lương”, chị Hằng giải thích.
Theo nữ nhân viên nhân sự, mức lương tại Phú Thọ khó có thể so sánh với các thành phố lớn như Hà Nội. Vì vậy, những ứng viên yêu cầu mức lương cao hơn sẽ không phù hợp.
Tham gia hội chợ việc làm, đại diện doanh nghiệp chỉ mong tìm được lao động kỹ thuật, biết thêm chút tiếng Hàn là lợi thế lớn. Tuy nhiên, để tìm được người vừa giỏi tiếng Hàn vừa có kinh nghiệm kỹ thuật thực sự là thách thức lớn.
“Người giỏi tiếng Hàn thì không có tay nghề kỹ thuật, còn người chuyên môn tốt thì ngoại ngữ lại hạn chế”, chị Hằng nói.
Các doanh nghiệp tham gia hội chợ đều thừa nhận, tuyển dụng lao động giỏi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Hàn, ngoài mức lương hấp dẫn, cần thêm các điều kiện khác như môi trường làm việc tốt, chính sách phúc lợi phù hợp và đặc biệt là vị trí làm việc thuận tiện.
“Dù một số lao động trở về từ Hàn Quốc có khả năng giao tiếp tiếng Hàn cơ bản, song, chủ yếu họ là lao động phổ thông, khó đáp ứng được yêu cầu cho vị trí phiên dịch viên chuyên nghiệp”, nhà tuyển dụng nêu thực trạng.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), 20 năm qua gần 150.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong đó 140.000 người sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS và 9.000 người diện IM Japan. Mỗi năm có khoảng 7.000 lao động từ Nhật Bản, Hàn Quốc về nước.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply