Sau những tháng dài lênh đênh trên biển, mùa biển động, ngư dân xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đưa tàu thuyền của mình về bờ “dưỡng sức”. Các thiết bị, dụng cụ hỗ trợ đánh bắt cũng được tu bổ, kiểm tra sửa chữa trước khi đến mùa khai thác mới vào tháng Giêng năm sau.
Ngư dân Huỳnh Văn Đức (SN 1969, ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) đang cùng với 9 thuyền viên của mình kiểm tra lại dàn lưới dài 400m, tỉ mẩn từng công đoạn, họ tìm những chỗ cần may vá rồi buộc lại làm dấu.
Ông Đức cho hay, chiếc tàu của ông có công suất 140CV, chuyên đánh bắt xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa. Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch, ông cùng các thuyền viên đưa tàu vào neo đậu tại cảng cá ở huyện Duy Xuyên rồi thuê xe đưa lưới về nhà để “chữa lành”.
Theo ông Đức, lúc ra khơi đánh bắt lưới thường đụng phải gành đá, san hô, cây gỗ, xác tàu đắm hay bị cá lớn có gai đâm phá hư rách. Do mắt lưới nhỏ, nên ông sẽ thuê 2 thợ dùng máy may để vá, còn các công đoạn khác là thuyền viên hỗ trợ để tiết kiệm chi phí.
“Mỗi năm sẽ thực hiện vá lưới 1 lần, tiêu tốn 25-30 triệu đồng. Ra biển, mọi thứ trên tàu đều quý giá nhưng không có lưới thì không thể đánh bắt cá được. Những người thợ vá lưới chính là những cánh tay đắc lực, chắp cánh cho tàu của chúng tôi yên tâm ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền”, ông Đức nói.
Anh Lê Văn Thành (41 tuổi, xã Bình Minh) cho biết, vào mùa khai thác anh thường làm công việc khuân vác, hỗ trợ vận chuyển tại bến cá. Đến khi biển động, tàu thuyền nằm bờ, anh được thuê may vá lưới cho các chủ tàu.
“Mỗi ngày tôi có thể kiếm về 400.000-500.000 đồng, công việc thường kéo dài trong 2-3 tháng, xong chủ này lại đi làm cho chủ khác. Việc vá lưới không khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn trọng, ngồi lâu dễ đau lưng, mỏi gối”, anh Thành chia sẻ.
Ngoài vá lưới bằng máy, người dân ở đây còn vá lưới bằng tay đối với các loại mắt lưới lớn. Theo ngư dân địa phương, tùy theo từng loại lưới mà dùng các sợi dây để vá các ô lưới. Sau khi vá xong, dùng dây để kết nối các đoạn lưới lại với nhau để thành một tấm lưới hoàn chỉnh.
Bà Nguyễn Thị Dân (54 tuổi, xã Bình Minh) có thâm niên hơn 30 năm trong nghề vá lưới thuê cho biết, vá lưới phải ngồi cả ngày, khom lưng, tay phải làm việc liên tục, công việc nhàm chán.
“Vào mùa đánh bắt thì tôi đi gánh cá, ướp muối thuê cho các cơ sở làm mắm hoặc làm cá bò cho các cơ sở hải sản. Mùa biển động, mưa liên miên thì làm nghề vá lưới thuê. Công việc vá lưới kéo dài 2-3 tháng, mỗi ngày làm 6-8 tiếng, thu nhập 250.000 đồng”, bà Dân nói.
Theo lãnh đạo UBND xã Bình Minh, địa phương có số lượng tàu thuyền lớn nhất huyện Thăng Bình. Toàn xã hiện có khoảng 89 tàu thuyền, trong đó 49 chiếc đánh bắt xa bờ, 32 chiếc hành nghề lưới vây, còn lại đánh bắt gần bờ, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động.
Tổng sản lượng đánh bắt hải sản năm 2023 hơn 11.500 tấn, chiếm 2/3 sản lượng đánh bắt của toàn huyện Thăng Bình. Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ từ nghề ngư lưới cụ của người dân ở vùng ven biển.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply