Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý điều này tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai công tác năm 2024 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 25/12. Cùng dự hội nghị có đại diện Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động công tác tại Thanh tra Bộ.
Tại hội nghị, ghi nhận thành tích, cống hiến và đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành thanh tra nói chung và thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nói riêng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vinh dự được Tổng Thanh tra Chính phủ tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”.
Thừa ủy quyền của Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra” cho Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Kiến nghị thu hồi hơn 60 tỷ đồng chi sai
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2023, Thanh tra ngành LĐ-TB&XH triển khai 2.421 cuộc thanh tra và 647 cuộc kiểm tra; ban hành 2.421 kết luận thanh tra, phát hiện 11.170 thiếu sót, sai phạm (tăng 13% năm 2022); 584 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tăng 28% năm 2022) với tổng số tiền xử phạt là 34.391 tỷ đồng (tăng 32% năm 2022); thu hồi, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 62,6 tỷ đồng (bằng 31,6% năm 2022).
Về công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, Thanh tra Bộ đã theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 278 kết luận thanh tra; phát hiện 1.778 thiếu sót, sai phạm; ban hành 56 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 2,9 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi, truy thu số tiền 58,6 tỷ đồng.
Năm 2023, ngành LĐ-TB&XH đã tiếp 12.668 lượt người (tăng 20% năm 2022), tiếp nhận 11.070 đơn (tăng 6,1% năm 2022) và giải quyết 168 vụ khiếu nại, tố cáo (bằng 52,1% năm 2022). Tiếp nhận 3.794 đơn (tăng 16,27% năm 2022), trong đó, số đơn chuyển từ năm 2022 sang là 64 đơn; số đơn tiếp nhận trong năm 2023 là 3.730 đơn.
Bên cạnh đó, năm 2023, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo được ngành LĐ-TB&XH thực hiện theo quy định, đảm bảo trách nhiệm; chủ động đối thoại và giải quyết kịp thời những vướng mắc của người dân; công dân đến Bộ được tiếp đón chu đáo, các đoàn đông người đều được lãnh đạo Bộ trực tiếp đối thoại và giải quyết.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Bộ đã tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành và triển khai kế hoạch thực hiện công tác phòng chống tham nhũng của Bộ; xây dựng và thực hiện kế hoạch điều chuyển vị trí việc làm của công chức, thanh tra viên trong Thanh tra Bộ để phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh công tác thanh tra, Thanh tra Bộ cũng đã dành nhiều thời gian cho công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh thanh tra đối với đội ngũ thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2024, Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng nhấn mạnh, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ trưởng, Tổng Thanh tra Chính phủ, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.
Theo đó, tăng cường công tác thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng; thanh tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, đặc biệt là về lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Kịp thời theo dõi những vấn đề, nội dung gây bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành LĐ-TB&XH (phòng chống tệ nạn xã hội, bảo trợ xã hội, quản lý cai nghiện ma túy…) để nắm bắt thông tin, tình hình và có biện pháp xử lý phù hợp.
Về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Bộ tiếp tục tổ chức tốt các buổi tiếp công dân định kỳ vào ngày 20 hàng tháng của Bộ trưởng, đảm bảo hoạt động tiếp công dân hiệu quả, chu đáo, thực chất, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; chủ động đối thoại, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của nhân dân.
Xử lý và đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ xử lý đơn thư nhanh chóng, đúng quy định; không để xảy ra tình trạng tồn đọng đơn thư; đảm bảo các vụ khiếu nại, tố cáo được giải quyết đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.
“Đừng để các cụ phải mang đơn thư lên cầu cứu Bộ trưởng”
Biểu dương những kết quả mà Thanh tra Bộ đã đạt được trong năm 2023, Bộ trưởng lưu ý, công tác thanh tra trước tiên phải làm đúng, sau đó là làm đủ. Đối với lĩnh vực xã hội, thanh tra cần quyết liệt, đeo bám công việc nhưng phải thận trọng, xử lý có tình có lý, nếu xử lý không tốt dễ trở thành vấn đề chính trị nhạy cảm.
“Công tác thanh tra vừa phải dứt khoát, quyết liệt, tuân thủ pháp luật, nhưng cần thận trọng, giải quyết vấn đề phải thấu tình, đạt lý. Cán bộ phải làm đúng, làm đủ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.
Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH nêu thực tế, ngành LĐ-TB&XH phải quản lý nhiều lĩnh vực và rất phức tạp. Tuy nhiên, năng lực thanh tra, số lượng cán bộ thanh tra, đặc biệt ở cơ sở còn nhiều hạn chế.
Do đó, Bộ trưởng yêu cầu thời gian tới, Thanh tra Bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nội dung thanh tra theo kế hoạch lãnh đạo Bộ đã phê duyệt và chỉ đạo của Tổng thanh tra Chính phủ. Đặc biệt là những vấn đề nóng của xã hội, xử lý nhanh chóng, kịp thời các vấn đề hậu thanh tra, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác thanh tra.
Trước mắt năm 2024, Thanh tra Bộ cần làm tốt kế hoạch thanh tra mà lãnh đạo Bộ đã phê duyệt, cũng như các chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ. Bộ trưởng chỉ đạo thanh tra trong năm tới tập trung cao độ đến vấn đề quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, không tập trung vào mỗi doanh nghiệp mà nhắm đến các cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp trong việc thực thi trách nhiệm của mình, đặc biệt là vấn đề chi bảo hiểm xã hội và thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Thanh tra Bộ tổ chức thanh tra việc thực thi công vụ, đặc biệt ở các đơn vị của Bộ mà chất lượng thực thi công vụ, thái độ, tinh thần trách nhiệm chưa cao. Bộ trưởng nêu có những đơn vị báo cáo rất nhiều, đưa ra nhiều sáng kiến nhưng cuối cùng thụt lùi, gần ngày báo cáo Bộ trưởng thì kêu khó, chưa làm được.
Một nhiệm vụ khác Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ trong năm tới là rà soát toàn bộ các vấn đề hậu đơn thư khiếu nại, tố cáo trong 5 năm qua. Kết luận nào đã giải quyết, giải quyết đến đâu, còn kết luận nào chưa giải quyết, Sở nào chưa làm, còn nợ bao nhiêu đơn thư, nguyên nhân là gì?
“Đừng để các cụ 75-80 tuổi phải lên tận Bộ gặp Bộ trưởng gửi đơn thư, cầu cứu. Trong việc giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại nếu cán bộ không làm vì cái tâm thì khó có thể làm được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Từng cán bộ thanh tra phải nâng cao trách nhiệm phòng chống tham nhũng, tăng cường kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh và đi đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng hứa với lãnh đạo Bộ sẽ phát huy những công việc đã đạt được trong năm qua, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply