Sáng 27/12, tại Hải Phòng diễn ra hội nghị Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp. Hội nghị do Bộ Ngoại giao – Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và UBND thành phố Hải Phòng đồng chủ trì, phối hợp tổ chức.
Nguồn nhân lực có cải thiện về chất lượng
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh khái quát, trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, chiến lược phát triển con người luôn được Đảng đặc biệt quan tâm.
“Đảng và Nhà nước luôn lấy con người làm gốc, coi con người là nhân tố cốt lõi để thực hiện thành công các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tại Đại hội lần thứ XI (năm 2011), phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được Đảng xác định là một trong 3 đột phá chiến lược.
Đến Đại hội XIII (năm 2021), quan điểm của Đảng về vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước càng được coi trọng.
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 xác định: Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp, tận tụy, phục vụ nhân dân.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành nhiều chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, như: chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; chính sách trọng dụng, thu hút cá nhân hoạt động khoa học công nghệ trong và ngoài nước.
3 năm gần đây, hàng loạt các đề án, chiến lược phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện để đưa quan điểm về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.
Sau nhiều năm triển khai các chương trình, đề án, chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định.
Năng suất các nhân tố tổng hợp TFP năm 2022 đóng góp 43,8% vào tăng trưởng GDP. Việt Nam đã đạt trình độ khu vực và quốc tế trong một số ngành và lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế…
Một số tập đoàn, doanh nghiệp đã chủ động đi trước, đón đầu các thành tựu khoa học – công nghệ. Các đơn vị này đã huy động và sử dụng, trọng dụng đội ngũ nhân lực trình độ cao để đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa sản xuất, tạo ra các sản phẩm cạnh tranh với các tập đoàn, doanh nghiệp trên thế giới.
Tuy vậy, theo ông Thanh, về tổng thể thì qui mô nhân lực Việt Nam tuy lớn nhưng chất lượng vẫn còn nhiều hạn chế.
“Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với qui mô lao động đạt 52,4 triệu người. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mới có gần 28% lực lượng lao động có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó chưa đến 15% có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên và 13% có trình độ trung cấp, sơ cấp nghề), còn hơn 65% lao động làm việc trong khu vực phi chính thức”, ông Thanh thông tin.
Yếu tố quyết định với mục tiêu “thành nước thu nhập cao”
Trong bài phát biểu tham luận của mình, ông Thanh nhấn mạnh, Việt Nam hiện nay còn khoảng trống rất lớn mới đáp ứng được nhu cầu lao động chất lượng cao ở nhiều ngành, lĩnh vực như logistics (mới đáp ứng được 40% nhu cầu).
Phần lớn doanh nghiệp logistics khó tuyển được những nhân sự quản lý, điều hành, điều phối và phải thuê nhân sự từ nước ngoài.
Công nghiệp số mới đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu lao động chất lượng cao hàng năm. Riêng ngành công nghiệp bán dẫn, cả nước hiện cần 10.000 kỹ sư/năm mà đào tạo mới chỉ được đáp ứng được chưa đến 20%.
Trong khi đó, khả năng đào tạo của các trường để cung ứng nhân lực chất lượng cao ở các ngành, lĩnh vực hàng năm còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, bao gồm cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp…
Thực trạng trên đang là trở ngại lớn cho mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc chuyển dịch từ công đoạn gia công, lắp ráp lên các công đoạn thiết kế, sáng tạo. Điều này làm kìm hãm tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Để đạt được mục tiêu này, yếu tố quyết định là xây dựng và phát huy được nguồn lực con người Việt Nam trên cơ sở được đào tạo, được trang bị tri thức và phát huy được năng lực lao động sáng tạo, tư duy đổi mới và khát vọng phát triển.
Theo ông Thanh sẽ có nhiều giải pháp để thực hiện yêu cầu này. Trong đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề cập 3 nhóm nội dung.
Thứ nhất, hiện Việt Nam chưa có đủ điều kiện, khả năng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tất cả các ngành, lĩnh vực nên cần tập trung cho những ngành, lĩnh vực được quy hoạch làm mũi nhọn, làm trọng tâm, then chốt của nền kinh tế.
Từ đó tạo sự bứt phá về chất lượng, bao gồm cả ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn trong bối cảnh chuỗi sản xuất toàn cầu của ngành này đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, tạo lập môi trường làm việc thuận lợi để lao động chất lượng cao cống hiến và phát triển.
Để thực hiện việc này, Việt Nam phải có chế độ đãi ngộ cũng như môi trường làm việc lành mạnh, minh bạch và cơ chế tôn vinh, biểu dương, ghi nhận cho đội ngũ lao động chất lượng cao.
Ngoài ra, phải quan tâm bồi dưỡng, bổ nhiệm kịp thời, kể cả trong bộ máy nhà nước cũng như trong doanh nghiệp cho lao động chất lượng cao.
Đồng thời, nhà nước cũng cần có chính sách, cơ chế kiểm tra đánh giá, sàng lọc, lựa chọn và đào thải lao động hợp lý. Đây là những yếu tố cơ bản nhưng quan trọng bậc nhất để thu hút và phát huy lực lượng lao động chất lượng cao và nhân tài hiện nay.
Thứ ba, tiếp tục và khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao bao gồm lưu học sinh Việt Nam cũng như kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài về phát triển đất nước.
Hiện Việt Nam có khoảng 80.000 lưu học sinh đang học tập tại gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, có khoảng 600.000 trí thức Việt kiều có trình độ trên đại học, sinh sống tập trung chủ yếu ở các nước phát triển. Đây là nguồn lực to lớn cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply