Thời kỳ việc tìm người
Tại sàn giao dịch việc làm diễn ra sáng 8.11 ở Trung tâm Văn hóa – Thể thao Q.11, Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts VN đặt bàn, chuẩn bị banner, tờ rơi, chờ người lao động (NLĐ) tới nghe tư vấn; nhưng mấy tiếng trôi qua mà không tuyển được ai. Nhân viên tuyển dụng cho hay, hiện công ty cần 300 công nhân, với thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng/tháng và phúc lợi hấp dẫn; yêu cầu tuyển dụng đơn giản (nữ dưới 40 tuổi, biết đọc biết viết). Dù công ty đã dùng nhiều giải pháp như đăng tuyển hằng ngày, treo nhiều băng rôn trong Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) hay trực tiếp xuống sàn việc làm, nhưng đến nay số lượng người tuyển được chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec VN (sản xuất sản phẩm điện tử), cũng cho hay, hiện công ty có khoảng 5.000 NLĐ, trong đó 3.500 nhân viên chính thức và 1.500 nhân viên thời vụ. Thu nhập của công nhân có thể cao gấp 2 – 3 lần mức lương cơ bản, với mức trung bình năm 2023 đạt trên 10 triệu đồng/tháng. Đây được xem là mức lương ổn định và khá cao đối với công nhân tại TP.HCM. Công ty tuyển liên tục, mỗi ngày vài chục người nhưng kết quả không mấy khả quan. “Đây là thời kỳ việc tìm người, chứ không phải người tìm việc nữa”, ông Hồng nói.
PV Thanh Niên ghi nhận thực tế tại nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp và các sàn giao dịch việc làm, hàng ngàn vị trí tuyển dụng vẫn chưa được lấp đầy trong những tháng cuối năm. Một số công ty tuyển dụng số lượng lớn gồm: Công ty TNHH Hong Ik Vina (Q.7) cần 500 lao động phổ thông với tổng thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng; Công ty CP Takahiro (Q.1) cần 250 nhân sự cho các vị trí dịch vụ, lương từ 27.000 – 37.000 đồng/giờ hoặc 8 – 10 triệu đồng/tháng; Công ty CP cung ứng nhân lực HR4U cần 1.900 lao động ngành may mặc, giày da và kỹ thuật điện tử.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, cho rằng TP.HCM đang thiếu hụt nghiêm trọng lao động phổ thông và lao động có tay nghề. Theo thống kê trong tháng 10, có 9.493 vị trí việc làm được đăng tuyển trên website của trung tâm. Trong đó, nhu cầu lao động phổ thông chiếm 4.828 vị trí (50,86%), đứng đầu trong các ngành. Tiếp theo là ngành da giày – may mặc với 1.427 vị trí (15,03%) và ngành thực phẩm – đồ uống với 1.362 vị trí (14,35%). Ngược lại, một số ngành chỉ tuyển lác đác vài vị trí, thậm chí như ngành văn hóa – xã hội không có nhu cầu tuyển dụng. Trong khi đó, có 7.526 NLĐ tìm việc và phân bố đều ở các ngành nghề.
Nghịch lý diễn ra khi doanh nghiệp (DN) không tuyển được người dù số lượng người thất nghiệp tại TP.HCM vẫn còn ở con số chục ngàn. Cũng theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, trong tháng 10, đơn vị đã tiếp nhận 11.129 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 4,08% so với tháng 9. Tính luôn giai đoạn từ ngày 1.1 – 31.10, đơn vị đã tiếp nhận 126.116 hồ sơ, giảm 11,62% so với cùng kỳ năm 2023.
Đó là thống kê của cơ quan nhà nước. Ở góc độ chuyên trang tìm việc và tuyển dụng, bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Việc Làm Tốt, cho biết nhu cầu tuyển dụng trong nước (chủ yếu tại TP.HCM – thị trường lao động lớn nhất cả nước với hơn 1,9 triệu NLĐ trong độ tuổi) đã tăng mạnh so với năm 2023, trong đó 3 ngành tài xế – kho vận, xây dựng – bất động sản, thợ sửa chữa – công nhân có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, theo một khảo sát của đơn vị với 300 DN (chủ yếu là DN thâm dụng lao động) được công bố hồi tháng 9, cho thấy có khoảng 85% đang gặp phải tình trạng thiếu hụt lao động và đặc biệt có 30% báo cáo thiếu hụt hơn một nửa nhân sự cần thiết.
LƯƠNG CHƯA ĐỦ SỐNG
Bà Lượng Thị Tới, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nhìn nhận có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghịch lý thiếu hụt lao động cuối năm. Thứ nhất, một số DN lớn thường xuyên phải tuyển dụng để bù đắp lực lượng lao động đã nghỉ. Thứ hai, cuối năm, DN tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu lễ, tết nên cần nhiều lao động, trong khi đó NLĐ lại có xu hướng giữ công việc để nhận phúc lợi dịp tết. Thứ ba, sự chuyển dịch, thay đổi nghề nghiệp của NLĐ và chênh lệch giữa kỳ vọng của NLĐ với DN, điển hình là mức lương.
Sở LĐ-TB-XH đánh giá, mức lương khởi điểm của nhiều vị trí lao động phổ thông chỉ khoảng từ 5 – 6 triệu đồng/tháng, không đủ để NLĐ chi tiêu, tiết kiệm. Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, quý 3/2024, trong khi hầu hết lao động tìm việc với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng thì 70% công việc trên thị trường chỉ có mức lương dưới 10 triệu đồng.
Ngày 8.11, chị Tâm Anh đến sàn việc làm ở Q.11 nghe tư vấn việc làm và lãnh bảo hiểm thất nghiệp. Chị rảo quanh các bàn tuyển dụng một hồi rồi lắc đầu, nói: “Trước đây tôi làm cho một công ty kế toán, nhưng sau đó mất việc. Mẹ tôi đang bệnh nặng nên tôi muốn tìm việc thời vụ trong lúc nhận trợ cấp thất nghiệp và cân nhắc rút BHXH 1 lần để có vốn tự chủ hơn, chứ bây giờ ngồi làm 8 tiếng mà lương tháng 7 – 8 triệu đồng thì làm sao mà nuôi sống gia đình”.
Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, phân tích, theo nhiều nguồn số liệu cho thấy hiện thu nhập của NLĐ khá thấp, dưới mức sống tối thiểu. Trong khi đó, khu vực phi chính thức có những công việc mang lại thu nhập cao hơn làm công nhân, thời gian lại tự do, linh hoạt, do đó có nhiều NLĐ mất việc hoặc tự nguyện chuyển sang thị trường phi chính thức.
Theo ông Thành, để giải quyết thực tế này, trước mắt DN cần có chính sách ưu đãi, trợ cấp cho NLĐ bên cạnh mức lương cơ bản dùng để tính BHXH, đồng thời thể hiện cam kết về tương lai bền vững cho công nhân. Về phía nhà nước, cần đánh giá lại hiệu quả của các chính sách điều tiết thị trường, bao gồm định nghĩa lại lao động có tay nghề, chất lượng cao và nâng cao năng suất lao động.
GIẢM BỚT SỰ PHỤ THUỘC LAO ĐỘNG THỦ CÔNG
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng cho biết, qua kết quả khảo sát do Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM thực hiện tại 2.000 DN cho thấy nhiều ngành lao động phổ thông như dệt may – da giày, sản xuất điện tử, dịch vụ thương mại, xây dựng… chủ yếu dựa vào lao động nhập cư. Tuy nhiên, đa số các tỉnh đều thành lập các khu kinh tế, khu công nghiệp, do đó một số lượng lao động đã chọn quay về làm việc ở quê để gần gia đình, tiết kiệm chi phí. Điều này làm cho số lượng lao động di cư vào TP.HCM giảm mạnh. Theo thống kê của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, năm 2020, TP.HCM đón nhận gần 170.000 – 180.000 dân nhập cư. Nhưng đến năm 2023, con số này chỉ còn khoảng 65.000 người. Đây là lần đầu tiên sau hơn 30 năm, lịch sử nhập cư vào TP.HCM đạt một điểm cực thấp như vậy. Điều này gây thách thức trong việc thiếu hụt lao động cho các ngành thâm dụng, nhưng cũng là cơ hội để nâng cao năng suất lao động và đổi mới công nghệ.
Sở LĐ-TB-XH khuyến khích DN chú trọng đầu tư lâu dài để duy trì nguồn nhân lực ổn định và đầu tư công nghệ và tự động hóa để giảm bớt sự phụ thuộc vào lao động thủ công. Ở góc độ quản lý, Sở LĐ-TB-XH sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối cung – cầu lao động liên vùng, nhất là các ngành TP.HCM đang ưu tiên phát triển. Đồng thời, sẽ dự báo nhu cầu nhân lực và điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp thị trường.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm