Ngày 14.3, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, sau Tết Nguyên đán 2024, thị trường lao động tiếp tục khởi sắc, nhiều doanh nghiệp đăng tuyển dụng số lượng lớn người lao động để bổ sung vào số nhân sự đã nghỉ việc hoặc nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động còn gặp một số khó khăn nhất định.
Theo kết quả khảo sát tại 300 doanh nghiệp đang hoạt động tại TP.HCM, có tới 18,67% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng. Các nguyên nhân chủ yếu: lao động không đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp (chiếm 68,66% tổng số lượt bình chọn); chế độ phúc lợi như tiền lương, tiền thưởng thấp (chiếm 20,9%); điều kiện làm việc như môi trường làm việc, an toàn lao động, chế độ quản lý… (chiếm 5,97%) và các lý do khác (chiếm 4,48%).
Mặt khác, trong thị trường lao động hiện nay, nhiều người đã dịch chuyển công việc từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức, vì vậy chưa quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Cùng với đó, người lao động ở các tỉnh, thành hiện có nhiều lựa chọn làm việc hơn vì hiện nay các địa phương trong cả nước hầu như đều có khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút doanh nghiệp đến đầu tư và hoạt động ở một số lĩnh vực tương tự TP.HCM.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho rằng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn, cần quan tâm hơn nữa đến chế độ tiền lương, thưởng, phúc lợi để thu hút người lao động.
Nếu doanh nghiệp có các chính sách đãi ngộ tốt, nhiều cơ hội phát triển, môi trường làm việc an toàn thì việc tuyển dụng lao động sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời chính người lao động của doanh nghiệp sẽ làm cầu nối để giới thiệu người thân, bạn bè vào làm việc khi doanh nghiệp có nhu cầu nhân sự.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, nhiều cấu trúc, tổ chức công việc, việc làm cũ mất đi, nhiều việc làm mới xuất hiện và điều này đòi hỏi cao về kỹ năng và công nghệ. Người lao động cần chủ động nâng cao tay nghề, cập nhật thông tin để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động.
Trong quan hệ lao động, có 2 loại đãi ngộ nhân lực (thù lao) thường được biết đến: thù lao tài chính (như lương, phụ cấp, phúc lợi, các khoản khuyến khích…) và thù lao phi tài chính (như nội dung công việc và môi trường làm việc).
Thời gian qua, tại thị trường lao động TP.HCM chứng kiến câu chuyện “ngại việc vì lương” khi nhu cầu mức lương mong muốn của người lao động đa số trên 20 triệu đồng, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khoảng từ 5 – 15 triệu đồng/tháng. Điều này cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu của 2 bên chưa gặp nhau, dẫn đến nhiều người thất nghiệp nhưng doanh nghiệp không tuyển được người.
Sở LĐ-TB-XH cho hay, thời gian qua, TP.HCM có nhiều hoạt động kết nối việc làm, triển khai mô hình thông tin, tư vấn giới thiệu việc làm ngay tại các bến xe, nhà ga cho người lao động từ các tỉnh đến; tiếp tục tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến… Về phía các quận, huyện, TP.Thủ Đức cũng chủ động nắm bắt tình hình lao động tại các doanh nghiệp để có giải pháp nối cung – cầu lao động.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cung cấp nguồn nhân lực sau đào tạo có chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply