Thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi chiều 22/11, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) tranh luận về ngạch, bậc của thẩm phán.
Đại biểu ủng hộ việc có một thang bảng lương riêng đối với các cơ quan tư pháp nói chung và ngành tòa án nói riêng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định về thang bảng lương của thẩm phán trong dự thảo luật không phù hợp.
“Thang bảng lương theo quy định của dự thảo, trừ 17 vị của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra, còn lại mười mấy nghìn biên chế có một mức lương như nhau là không phù hợp”, đại biểu Nguyễn Thanh Sang nói.
Đại biểu cho biết, quy định mức lương đều xuất phát từ hệ số 2,34 đến 8,0 không phân hóa được trình độ, kinh nghiệm của mỗi cấp xét xử và đặt câu hỏi quy định như vậy có phù hợp với vị trí việc làm, là động lực giúp thẩm phán phấn đấu hay không?
Đại biểu nêu ví dụ, áp ngạch của thẩm phán hiện tại thì thẩm phán sơ cấp có hệ số lương tối đa chỉ là 4,98, khi về hưu rất thiệt thòi.
“Tôi đề nghị sửa đổi lại, nâng bậc của thẩm phán sơ cấp lên để phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp và tương quan với ngạch của các cơ quan tư pháp nói chung”, đại biểu Nguyễn Thanh Sang nói.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, công việc của thẩm phán khó khăn, vất vả, áp lực. Song dù có làm tốt đến mấy, thậm chí rất nhiều thẩm phán ở Tòa án cấp huyện đã được vinh danh là thẩm phán tiêu biểu trong toàn ngành nhưng đến khi nghỉ hưu vẫn chỉ là thẩm phán sơ cấp với hệ số lương là 4,98.
Cũng tranh luận về việc sửa đổi quy định ngạch, bậc thẩm phán, đại biểu Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) cho biết, cơ quan soạn thảo luật có nêu yêu cầu sửa đổi ngạch, bậc thẩm phán là nhằm đáp ứng 4 yêu cầu: Để thuận tiện trong điều động, luân chuyển cán bộ; giảm bớt thủ tục trong việc xét nâng ngạch; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức an tâm phấn đấu về chuyên môn, nghiệp vụ; khắc phục tâm lý phân biệt giữa các ngạch, bậc thẩm phán.
Song đại biểu cho rằng, các quy định của dự thảo luật chưa thực sự đáp ứng được hết các tiêu chí đặt ra.
Dự thảo luật sửa đổi thành 2 ngạch là thẩm phán tòa án tối cao và thẩm phán, trong đó ngạch thẩm phán chia làm 9 bậc. Theo như quy định của dự thảo, việc nâng bậc thẩm phán lại gắn chặt chẽ với các điều kiện liên quan đến năng lực, trình độ chuyên môn, kết quả công việc, thâm niên.
“Như vậy, việc phân bậc này không khác gì phân ngạch hiện nay”, đại biểu nhận định.
Theo Luật Cán bộ, công chức, ngạch là tên gọi thể hiện được thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Theo dự thảo luật, một thẩm phán sẽ trải qua 3 lần thi nâng ngạch mới có thể từ thẩm phán sơ cấp lên trung cấp và cao cấp.
Đại biểu Cao Mạnh Linh nói: “Một người muốn phấn đấu để lên đến thẩm phán bậc 9 sẽ phải qua một kỳ thi tuyển chọn thẩm phán, cùng với đó là 8 lần xét để lên đến bậc cao nhất đó. Quy định vậy có đáp ứng được yêu cầu về giảm thời gian, chi phí cho việc lựa chọn, tuyển chọn thẩm phán?”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply