Chiều 22.11, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ cấp ủy TP.Thủ Đức, quận, huyện và cấp ủy cấp trên tương đương để trao đổi tình hình quan hệ lao động năm 2024. Tại sự kiện, ông Phùng Thái Quang, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, nhận định rằng nợ BHXH đang là một thách thức lớn trong quan hệ lao động tại thành phố.
Số liệu thống kê cho thấy đến nay, có hơn 59.000 doanh nghiệp tại TP.HCM nợ BHXH 3 tháng trở lên với số tiền hơn 4.500 tỉ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 800.000 người lao động.
Theo ông Quang, tình trạng chậm nộp, chậm đóng BHXH xâm phạm quyền và làm suy giảm niềm tin của người lao động. Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này không chỉ nằm ở khó khăn kinh tế mà còn xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của một số doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ pháp lý với người lao động.
Ông Quang cho hay tổ chức Công đoàn TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát thực hiện nghĩa vụ BHXH, đồng thời ông kêu gọi sự tham gia của các cơ quan liên quan để thúc đẩy tính minh bạch trong các chính sách phúc lợi ở từng khu vực và ngành nghề.
Cũng theo ông Quang, hiện nay TP.HCM có sự chênh lệch trong chính sách phúc lợi (như lương, thưởng) giữa các khu vực và doanh nghiệp trong cùng ngành nghề, càng làm gia tăng tâm lý bất ổn trong người lao động, dễ gây ra tranh chấp lao động, đặc biệt trong bối cảnh thưởng tết đang đến gần.
Công đoàn TP.HCM cũng sẽ chủ động bám sát thực tiễn đời sống người lao động, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. TP.HCM cũng sẽ thành lập tổ công tác liên ngành để giám sát việc chi trả lương và thưởng tết, hạn chế tối đa nguy cơ tranh chấp lao động trong dịp cuối năm.
Phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cũng đề xuất các cấp ủy cần chỉ đạo thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, tạo nền tảng ổn định sản xuất và đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động.
Tăng cường kiểm tra, thanh giám sát
Phó giám đốc BHXH TP.HCM Trần Dũng Hà cũng nhắc lại số nợ BHXH và cho biết 800.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi tình trạng nợ BHXH chiếm khoảng 1/3 tổng số người lao động đang tham gia BHXH (hiện nay TP.HCM có gần 5 triệu lao động, trong đó khoảng 53% đang đóng BHXH – PV).
Ông Hà giải thích tình trạng nợ BHXH tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp và nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp còn thấp, cùng với đó là tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn. Ngoài ra, việc xử lý các doanh nghiệp trốn đóng BHXH còn gặp thách thức do quy định pháp luật chưa thống nhất và còn chồng chéo.
Dự kiến đến cuối năm, số nợ BHXH trên địa bàn TP.HCM sẽ được kéo giảm xuống còn khoảng 3.600 tỉ đồng.
Theo ông Hà, tính đến ngày 13.11, TP.HCM đã thực hiện 2.590 cuộc thanh tra và dự kiến tăng lên 2.700 cuộc vào cuối năm. BHXH TP.HCM đã ban hành và tham mưu UBND TP.HCM ban hành hơn 100 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 16 tỉ đồng.
Trong thời gian tới, BHXH TP.HCM sẽ rà soát với cơ quan thuế để kịp thời phát hiện lao động chưa tham gia BHXH, đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH. Đồng thời, tăng cường thanh tra và kiểm tra các doanh nghiệp nhằm chấn chỉnh sai phạm và xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm