Đi từ địa đầu Tổ quốc đến mũi Cà Mau mang cây về trồng
Những ngày này, gia đình ông Hoàng Văn Dậu (67 tuổi, thôn Đồng Toàn, xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) phải thuê 10 lao động mới kịp thu hoạch bưởi, ổi, dứa để bán cho thương lái.
Ông Dậu cho biết, vườn cây ăn quả của gia đình rộng hơn 5ha, với nhiều loại cây đặc sản từ nhiều vùng miền của cả nước như: bưởi Diễn (Hà Nội), bơ quả tròn (Đắk Lắk), ổi (Hải Dương), nhãn lồng (Hưng Yên)…
Ông chủ vườn cây cho hay, cách đây gần 40 năm, sau khi rời quân ngũ, vợ chồng ông nhận thầu hơn 5ha đất ở chân núi Dương Lăng, xã Hà Long, huyện Hà Trung để phát triển kinh tế.
Ban đầu, vợ chồng dành một nửa diện tích trên để chăn nuôi lợn, gà, phần đất còn lại ông trồng dứa, mía. Sau thời gian miệt mài, thức khuya dậy sớm làm việc, vợ chồng ông biến khu đất đồi khô cằn thành vựa cây xanh tốt, màu mỡ.
Năm 2016, khi mọi thứ dần ổn định thì các loại cây trồng mất giá. Không để cho đất “chết”, ông Dậu thay đổi kế hoạch trồng trọt, tìm hướng đi mới.
Trong một lần xem truyền hình, đọc báo, ông Dậu thấy nhiều người trở thành triệu phú từ trồng cây ăn quả nên quyết định rủ vợ học cách làm giàu. “Rất may vợ tôi cũng có sở thích ham làm, cùng tôi thực hiện ý tưởng”, ông Dậu bộc bạch.
Gần 10 năm cùng nắm tay nhau đi du lịch kết hợp học hỏi các mô hình kinh tế, vợ chồng ông Dậu đã thực hiện hàng chục chuyến đi, có lúc đi bằng xe khách, có chuyến đi máy bay. Hai vợ chồng cùng nhau đặt chân tới các vựa hoa quả từ địa đầu Tổ quốc đến mũi Cà Mau.
Ông Dậu kể, trước năm 2020, vợ chồng ông chủ yếu di chuyển lên các tỉnh phía Bắc, như: Hà Giang, Tuyên Quang, Hưng Yên, Phú Thọ, Hòa Bình… học cách trồng cam, bưởi, táo,…
Từ năm 2020 trở lại đây, hai vợ chồng đi vào vựa trái cây ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
“Bà con nông dân ở đâu cũng chất phác, thoải mái chia sẻ về bí quyết trồng cây ăn quả với vợ chồng tôi. Họ hướng dẫn tôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và quá trình trồng cây ăn quả, quy trình sản xuất an toàn”, ông Dậu nói.
Theo ông Dậu, thực hiện chủ nghĩa xê dịch trong phát triển kinh tế ở tuổi gần 70 là một ý tưởng táo bạo. Tuy nhiên, có đi mới học được cách làm hay, “dắt túi” nhiều kinh nghiệm. Mỗi chuyến đi là một hành trình trải nghiệm, từ đó khiến tinh thần phấn chấn, hăng say hơn trong công việc.
Thu nửa tỷ đồng/năm từ bí quyết trồng cây khác biệt
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga (64 tuổi, vợ ông Dậu) cho biết làm nông nghiệp nhưng vợ chồng bà không hề thấy vất vả, mà thấy vui, hạnh phúc.
“Ở cái tuổi này, hai vợ chồng tôi vẫn còn sức khỏe, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Làm vườn cũng là để giáo dục con cháu đức tính cần cù, chăm chỉ trong lao động. Thu nhập từ vựa cây không chỉ đỡ đần con cái khi cần mà còn giúp vợ chồng tôi thực hiện được những điều yêu thích”, bà Nga tâm sự.
Bà Nga cho hay, phương pháp trồng cây chủ yếu của gia đình bà luôn hướng đến việc hạn chế dùng phân bón hóa học. Hằng ngày, bà dùng nguồn chất thải chăn nuôi, xay ngô, đậu tương nghiền nhỏ để ngâm ủ bón cho cây. Nhờ đó mà trái cây tại trang trại luôn ngon ngọt, thanh mát, được nhiều thương lái lựa chọn.
Hiện vườn cây của gia đình bà Nga có hơn 1.000 cây ổi Đài Loan, gần 1.000 cây bưởi da xanh và bưởi Diễn, 500 cây mít, hàng trăm gốc hồng xiêm, nhãn, bơ. Mỗi năm, trừ hết các chi phí, vườn cây mang về cho ông bà gần nửa tỷ đồng tiền lãi. Mô hình của gia đình bà Nga cũng tạo việc làm thời vụ cho 25 người dân địa phương, mức lương 300.000 đồng/ngày.
Để có được thành công như ngày hôm nay, vợ chồng lão nông không chỉ đổ công, sức vào khu đất đồi khô cằn mà còn phải nhiều lần mất tiền “đóng học phí”.
Bà Nga kể, năm 2016, bà trồng cây táo ngọt có nguồn gốc từ Hà Giang. Gần 2 năm chờ đợi, 100 cây táo cho quả to, đẹp, bà mang ra chợ bán nhưng chẳng có người mua.
“Quả táo quá to, mẫu mã đẹp, vị ngọt khiến khách hàng nghi ngờ tôi dùng thuốc. Táo không bán được rụng đầy gốc, vợ chồng tôi phải thuê người chặt bỏ. Lần ấy, tôi lỗ cả trăm triệu đồng”, bà Nga nhớ lại.
Hay như năm 2020, vợ chồng bà trồng xoài Thái, cây hợp đất, sinh trưởng, phát triển, cho ra quả đúng kỳ hạn. Tuy nhiên, tán xoài quá lớn, chiếm nhiều diện tích, khiến việc thuê nhân công thu hái gặp khó khăn nên bà phải gọi người đến đào gốc, bán đổ bán tháo cho các nhà vườn.
“Dù nhiều lần mất tiền nhưng vợ chồng tôi không nản chí. Làm nông phải có sự đầu tư, chịu được sự vấp ngã mới trưởng thành”, bà Nga bộc bạch.
Ông Hoàng Việt Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Long, cho biết vợ chồng ông Dậu rất chịu khó, sáng tạo trong lao động. Không ngại khó khăn, vợ chồng người nông dân này đã đi đến nhiều vựa trái cây trên cả nước, mang những loài cây có giá trị kinh tế cao về trồng.
Theo ông Dân, nhờ phát triển mô hình kinh tế, hàng trăm lao động ở địa phương có việc làm, thu nhập tốt. Thu nhập bình quân đầu người của xã là 62 triệu đồng/người/năm, thuộc top đầu của huyện.
“Chúng tôi khuyến khích bà con phát triển mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng cây. Đề nghị các cấp có cơ chế ưu đãi hỗ trợ về vốn vay, con giống, cây giống, tạo bước đệm để bà con đầu tư, phát triển mô hình”, ông Dân bày tỏ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm