Nhiều đồng nghiệp của Ngọc Khánh – nhân viên tại một công ty công nghệ ở TPHCM – đang bàn kế hoạch lên nhà người anh cùng công ty ở Bảo Lộc, Lâm Đồng trong kỳ nghỉ lễ 2/9 này.
Nhìn mọi người rôm rả bàn tán chuyện đi lại, đốt lửa trại, nướng gà, ăn cơm lam… Khánh chỉ càng thêm chán ghét, khó chịu. Cô đứng ngoài cuộc vui khi thấy mình không quá thân thiết với mọi người, lại thấy bản thân không có năng lượng, sự hứng thú.
Kỳ nghỉ lễ đang đến gần, Khánh đang đối mặt với tình trạng vô cùng tệ hại. Cô chán chường, bức bối, mệt mỏi, dễ gắt gỏng… Ở nhà đã buồn, đến công ty lại càng nặng nề, rầu rĩ hơn.
Khánh thổ lộ, từ nhiều năm nay, cứ từ trước các kỳ nghỉ lễ cho đến hết kỳ nghỉ, cô luôn rơi vào tình trạng mệt mỏi, sầu não như vậy. Mỗi năm 4-5 đợt nghỉ không thoát đợt nào.
Những kỳ nghỉ trước đây, Khánh còn thu xếp về quê hoặc đi chơi với bạn bè nhưng càng đi cô càng oải, càng chán. Tâm trạng đó ảnh hưởng đến cả người xung quanh. Nhìn Khánh là mọi người… mất vui nên cô áy náy mà đồng nghiệp cũng không còn tha thiết với những chuyến đi có cô.
“Hơn hai năm nay, trừ dịp Tết tôi về quê, còn tất cả các kỳ nghỉ lễ khác, tôi chỉ ở nhà. Gần như tôi không trò chuyện, giao tiếp với ai. Tôi ước giá như không phải nghỉ lễ”, Khánh nói như nghẹn khóc.
Nữ nhân viên lên kế hoạch những ngày lễ sắp tới cô sẽ dọn dẹp lại nhà cửa, thanh lọc đồ dùng, bỏ bớt những thứ không cần thiết… Điều này có thể giúp cô bận rộn và bớt nghĩ ngợi hơn.
Tuy nhiên, Khánh cũng lo lắng dự tính này có thể bị chính bản thân phá vỡ như dịp kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa rồi.
Đợt đó, cô chuẩn bị đồ đạc, thực phẩm để nấu nướng, làm bánh nhưng đến ngày nghỉ, cô mặc kệ mọi thứ, không còn sức động tay chân vào bất cứ thứ gì. Nguyên liệu mua về kết lại bị vứt xó cho đến hỏng.
Cô nói về mình lúc ấy: “Không nấu ăn, không tắm rửa, không đánh răng, cả ngày chỉ nhét vài miếng bánh vào miệng để cầm hơi. Hết lễ, tôi trở nên hốc hác, xơ xác…”.
Khánh thấy mình không giống ai, người xung quanh cũng thấy cô “dở người” khi đến kỳ nghỉ là rầu rĩ, rên rỉ. Tuy nhiên thực tế, không ít người gặp phải hội chứng trầm cảm vào mùa nghỉ lễ như Khánh.
Một cuộc khảo sát năm 2014 của Liên minh quốc gia về bệnh tinh thần (NAMI) chỉ ra, 64% người tham gia thừa nhận tâm lý của họ trở nên tồi tệ hơn vào những kỳ nghỉ lễ.
Theo Verywell Mind (nơi cung cấp thông tin về sức khỏe và thể chất của các chuyên gia y tế), tâm trạng ức chế kéo dài xuyên suốt những kỳ nghỉ lễ thường được gọi là trầm uất ngày lễ hoặc trầm cảm ngày lễ. Triệu chứng phổ biến nhất của trầm cảm ngày lễ chính là cảm giác buồn bã kéo dài trong suốt kỳ nghỉ.
Một số biểu hiện của trầm cảm ngày lễ như thay đổi thói quen ăn uống hay cân nặng, giấc ngủ; tâm trạng chán nản hoặc cáu kỉnh; khó tập trung; cảm thấy bản thân vô dụng hoặc tội lỗi; không còn niềm vui với những việc yêu thích hàng ngày, thậm chí có thể có suy nghĩ tự tử.
Một số nguyên nhân của tình trạng này được lý giải như thiếu ngủ do lịch trình ngày lễ bận rộn, ăn uống quá độ, căng thẳng về tiền bạc, tách biệt và cô đơn…
Bên cạnh đó, có thể những ngày lễ cũng là thời điểm đánh dấu những cột mốc trong năm kéo theo những suy nghĩ về sự hối tiếc hoặc thất bại về những mục tiêu chưa đạt được. Với nhiều người, lễ còn là thời điểm của sự tuyệt vọng.
Anh Nguyễn Trung Vinh, trưởng phòng một công ty tài chính ở quận 1, TPHCM cho biết anh bị trầm cảm và đặc biệt biểu hiện nặng theo mùa. Anh thường phải đối mặt với những cơn trầm cảm vào những mùa lễ, Tết, nặng nề nhất vào hai tháng cuối năm.
Tình trạng của anh những lúc đó cực kỳ tồi tệ, không muốn giao tiếp, như bị rút cạn năng lượng. Cũng có những lần chán chường đến mức anh đã nghĩ đến cái chết…
Nam nhân viên cho biết, dịp lễ anh sẽ từ chối tham gia vào các hoạt động vui chơi, du lịch. Khi nhìn mọi người trò chuyện vui đùa, anh chỉ càng thấy cô đơn, kiệt sức.
Anh Vinh thường chọn ở nhà, cố gắng duy trì những thói quen ăn uống, tập thể dục, đọc sách… như mọi ngày. Khi quá tệ, anh đến bệnh viện thăm khám, uống thuốc.
“Đến hôm nay, trước kỳ nghỉ lễ 2/9, tôi chưa có biểu hiện gì rõ ràng nhưng sợ rằng những ngày tới cơn trầm cảm sẽ ập đến. Kỳ nghỉ luôn là nỗi ám ảnh với tôi khi phải vật lộn cùng những cảm xúc khổ sở”, anh Vinh nói.
Ở bất kỳ môi trường nào, từ gia đình đến công sở, theo anh Vinh khi đau chân tay, đau bụng, tim, gan sẽ được quan tâm ngay nhưng những vật lộn về tinh thần rất khó để chia sẻ, để kêu than. Nếu than thở “nghỉ lễ chán quá”, có khi còn nghe quở trách “sướng quá hóa rồ”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm