Đây là quan điểm của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động(LĐLĐ) Việt Nam về phương án rút BHXH 1 lần được Chính phủ đề xuất xin ý kiến Quốc hội lần này.
Sáng nay 23.11, Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Một trong những vấn đề được dư luận và người lao động đặc biệt quan tâm trong lần sửa đổi này liên quan đến rút BHXH 1 lần.
Theo đề xuất của Chính phủ có 2 phương án xin ý kiến đại biểu. Phương án 1, người lao động đã tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1.7.2025), sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được rút BHXH 1 lần. Người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được rút BHXH 1 lần, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Phương án 2, người lao động sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm nếu có nguyện vọng thì chỉ được rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Đại biểu Quốc hội: Người lao động cần được rút BHXH một lần và rút thỏa đáng nhất
Tại buổi họp báo của Tổng LĐLĐ Việt Nam chiều 22.11, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu bày tỏ: “Công đoàn nhận thấy trong 2 phương án trên, mỗi phương án đều có những ưu điểm. Một trong những quan điểm mà chúng tôi đề xuất và bảo vệ đầu tiên khi sửa luật này là không làm suy giảm quyền lợi của người lao động. Trên thực tế có những trường hợp sửa luật nhưng quyền lợi của người lao động có thể bị suy giảm, ví dụ như: nâng tuổi nghỉ hưu, quyền lợi bảo hiểm của người lao động bị ảnh hưởng”.
Ngoài ra, ông Hiểu cũng cho rằng, công đoàn không bao giờ mong muốn người lao động phải rút BHXH 1 lần. Việc rút BHXH 1 lần của người lao động cũng là nỗi lo của công đoàn về an sinh xã hội trong tương lai. Theo Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khi ban hành một quy định, việc lựa chọn phương án nào phải kèm theo cơ chế điều kiện của Nhà nước hỗ trợ lao động để hạn chế rút BHXH 1 lần, ví dụ như hệ thống tín dụng mở rộng, ưu tiên cho đối tượng công nhân. Hiện nay chúng ta chưa có hệ thống tín dụng dành riêng cho công nhân. Nếu chỉ có tín dụng dành cho hộ nghèo thì công nhân rất khó tiếp cận.
“Chúng tôi cho rằng vẫn phải cho người lao động rút BHXH 1 lần, bởi rút là quyền con người của họ. Khi họ tham gia bằng tiền của họ phải được quyền rút BHXH. Tuy nhiên, mong muốn của chúng tôi là hạn chế rút, kèm theo là các chính sách hỗ trợ tài chính để đảm bảo giải quyết các tình huống khi người công nhân gặp khó khăn và họ không bị trở thành nạn nhân của tín dụng đen”, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu quan điểm.
Chia sẻ thêm về 2 phương án rút BHXH 1 lần, ông Vũ Minh Tiến, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho hay: “Mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng. Một bên hướng đến mục tiêu đảm bảo quyền được rút BHXH 1 lần của người lao động. Còn một bên muốn giữ chân họ ở lại lưới an sinh để sau này có hưu trí. Nếu được tăng lương, có tích lũy thì không ai muốn rút hết BHXH”.
Rút bảo hiểm xã hội một lần: ‘Rất khó để có một phương án chỉ toàn ưu điểm’
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply