“Đam mê phải đi cùng với cái tâm”
Giờ tan tầm ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM), người ta hay bắt gặp một người đàn ông lớn tuổi, mái tóc dài, ngồi phì phèo điếu thuốc bên cạnh một chiếc xe cà tàng chở đầy mặt nạ. Đó chính là ông Bảy (60 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp), thường được mọi người gọi với cái tên thân mật là “Bảy mặt nạ”.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bình Định, từ nhỏ ông Bảy đã sớm say mê những nhân vật như Quan Công, Tào Tháo,…
“Ngày đó, tôi cũng trăn trở không biết nên làm gì. Từ nhỏ, tôi đã thích nghe hát bội nên muốn tìm công việc liên quan đến môn nghệ thuật này. Tôi đi nhiều nơi để tìm hiểu, thấy hiếm ai làm nghề vẽ mặt nạ này nên quyết định vào TPHCM lập nghiệp”, ông Bảy nhớ lại.
Ông kể, mình chưa từng qua một lớp vẽ hay được thầy truyền nghề. Mỗi chiếc mặt nạ đều do ông tự mày mò, học hỏi thông qua sách báo rồi từ đó bắt đầu tạo hình.
“Vì mê hát bội quá mà mỗi lần ngồi nghiên cứu cách tạo hình nhân vật, tôi dường như quên luôn mọi thứ xung quanh mình, chưa bao giờ cảm thấy mệt hay khó khăn gì cả”, ông Bảy hào hứng chia sẻ.
Để hoàn thành một chiếc mặt nạ, ông Bảy phải mất từ 3 đến 6 tiếng, gồm rất nhiều công đoạn đòi hỏi người “nghệ sĩ” phải vừa am hiểu tường tận về nhân vật, vừa phải tỉ mỉ.
“Ban đầu tôi dùng đất sét tạo khuôn, rồi dùng silicon phủ lại. Tiếp đến tôi mới dùng bột đá và bột nhựa tổng hợp để tạo thành sản phẩm. Sau cùng là công đoạn dùng cọ màu vẽ lên và để khô”, nghệ nhân 60 tuổi cho hay.
Sau khi hoàn thành xong mỗi chiếc mặt nạ, ông Bảy thường ngồi ngắm nghía lại từng chi tiết nhỏ, một phần để kiểm tra các đường nét, một phần mường tượng nhớ lại những vở tuồng hát cổ.
“Để có thể tạo nên một chiếc mặt nạ sinh động, có hồn thì mình phải hiểu rõ tính cách nhân vật. Mỗi nhân vật đều có những nét riêng. Vì thế, từng nét cọ phải thể hiện được chi tiết, màu sắc, thần thái riêng sao cho khách hàng nhìn vào có thể nhận ra là ai ngay, nhân vật chính nghĩa hay phi nghĩa”, ông Bảy giải thích.
Ngoài những chiếc mặt nạ được vẽ bằng màu sắc sặc sỡ, ông Bảy còn làm thêm nhiều kiểu mặt nạ khác để đa dạng các mặt hàng hơn. Những lúc rảnh, ông dành thời gian đọc thêm sách để nghiên cứu thêm về các nhân vật, để mỗi ngày lại có thêm những gương mặt đẹp xuất hiện trên “gánh hát” xe đạp.
Xe đạp chở cả “gánh” hát bội
Hơn 30 năm nay, ông Bảy cùng chiếc xe đạp chở đầy những chiếc mặt nạ rong ruổi khắp TPHCM, từ quận Gò Vấp đến các đường ở khu vực quận 1, quận 3. Ông thích đạp xe để những người đi đường có thể chầm chậm ngắm tác phẩm của mình.
Nhìn thấy những vị khách thích thú với các tác phẩm, ông Bảy không ngừng hạnh phúc. Ông vui một phần vì có thể mưu sinh bằng chính đam mê của mình, một phần vì có thể lan tỏa giá trị của nghệ thuật hát bội cho các thế hệ trẻ.
“Gánh hát” của ông Bảy có hơn 40 chiếc mặt nạ với 3 kích cỡ khác nhau. Chiếc nhỏ nhất có giá 185.000 đồng/cái, cỡ trung có giá 480.000 đồng/cái và lớn nhất là 520.000 đồng/cái. Trung bình, mỗi ngày ông có thể bán được 4-5 cái.
Theo ông Bảy, khách ghé đến nếu có ai đọc qua sách vở hay biết về tuồng tích hát bội rồi thì sẽ hỏi mua nhân vật mà mình thích, còn không thì cứ lựa chọn theo cảm nhận.
Vô tình đi ngang chiếc xe chở đầy mặt nạ, chị N.T.B. (ngụ tại quận 3) dừng lại ngắm nhìn vì tò mò.
“Nãy tôi đi bộ quanh khu vực này, thấy chú bán mấy chiếc mặt nạ vẽ lạ mắt nên ghé lại ngắm thử. Tôi cũng đã chọn được một cái nhỏ về trưng trên bàn”, vừa nói chị vừa khoe chiếc mặt nạ mới mua.
Hát Bội (còn gọi hát Bộ, hay Tuồng cổ) là một một trong ba di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Bình Định. Hát Bội có nguồn gốc từ hát Bộ cung đình, đó là lối hát Tuồng với bộ điệu.
Khi diễn hát, các đào kép vừa hát vừa múa, đi lại trên sân khấu, điệu bộ hấp dẫn với vật tượng trưng.
Hát Bội thường diễn lại những sự tích trong truyện cổ, có mục đích giáo dục, đề cao những tấm gương sáng của các vị anh hùng, đề cao nhân – nghĩa – lễ – trí – tín và đạo lí làm người.
Kết cục của những tuồng hát bao giờ cũng có hậu và răn dạy người đời: ở hiền gặp lành, làm ác gặp ác, gieo nhân nào hưởng quả ấy…
Bình Định được xem là “cái nôi” sản sinh nghệ thuật tuồng (hát bội). Lịch sử nghệ thuật tuồng của tỉnh gắn liền với tên tuổi của ông tổ Đào Duy Từ và hậu tổ Đào Tấn.
Sau này, hát bội du nhập vào miền Nam và trở thành một “đặc sản” không thể thiếu trong các dịp lễ lớn ở đây, đặc biệt đối với người miền Tây.
Bình Minh
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply