Ở môi trường công sở, chúng ta dễ dàng tiếp xúc với nhiều kiểu người khác nhau. Có những đồng nghiệp thân thiện, dễ gần nhưng cũng có người có thói quen xấu như soi mói, phán xét, thậm chí ăn cắp đồ của người khác. Nhiều người khi rơi vào trường hợp éo le vừa ấm ức vừa “điên” như thế, lại không biết nên hành xử thế nào mới vẹn cả đôi đường.
Khốn đốn với đồng nghiệp có thói ăn cắp vặt
Chuyện những món đồ “không cánh mà bay” thường là vấn đề nhạy cảm ở chốn công sở. Tuy nhiên, cũng không ít người bức xúc, rơi vào cảnh khốn đốn vì hết lần này đến lần khác bị mất đồ.
Chị Lê Thị Hoài Phương (25 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc: “Ở công ty trước, tôi đã từng bị mất nhiều đồ đạc, thậm chí là tiền. Mọi người cũng đồn đoán hết người này đến người kia nhưng sự thật mãi không được làm rõ. Là đồng nghiệp với nhau, chúng tôi dù có nghi ngờ thì cũng ngại nói ra, nếu không phải thì chắc chắn sẽ mất lòng. Nhưng nếu cứ đến công ty trong trạng thái bất an, tôi nghĩ mình chẳng thể nào tập trung hoàn thành công việc”.
Chị Phương cũng nói thêm, trong cuộc họp định kỳ hằng tháng, chị cũng có trình bày chuyện này với quản lý. Phía công ty cho hay sẽ nhanh chóng làm rõ, tuy nhiên mọi thứ cần phải có đầy đủ bằng chứng mới có thể đưa ra kết luận. Nếu phát hiện nhân viên có thói ăn cắp vặt đồ của đồng nghiệp nhất định sẽ nghiêm khắc xử lý, thậm chí là sa thải.
Anh T.H (27 tuổi, ở TP.Thủ Đức) cũng chia sẻ, bản thân mới vào làm ở công ty chưa được bao lâu nhưng đồng nghiệp cũng nhắc nhở anh phải tự bảo quản tư trang của mình. Vì đôi lần, ở công ty đã xảy ra tình trạng mất đồ không rõ nguyên do. Vì chuyện này chưa để lại hậu quả quá nghiêm trọng nên mọi người cũng chưa làm căng.
“Tôi nghĩ nếu bất kỳ ai có hành đông ăn cắp vặt, sớm muộn cũng sẽ bị phát hiện. Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, làm chuyện xấu thì khó mà giấu giếm. Nếu ai có khó khăn, hãy cứ mạnh dạn chia sẻ với đồng nghiệp xung quanh mình để nhận được sự giúp đỡ. Lấy trộm một lần sẽ có những lần tiếp theo, lâu dần làm hỏng tư cách đạo đức và chắc chắn sẽ không thể gắn bó với bất kỳ công ty nào lâu dài”, anh H. khẳng định.
Chọn cách thẳng thắn với nhau
Từng gặp đồng nghiệp có thói ăn cắp vặt, chị Lê Thị Mỹ Tuyến (28 tuổi, ở TP.Thủ Đức), cho hay ở thời điểm đó chị đã chọn cách chất vấn trực tiếp để làm sáng tỏ mọi chuyện.
Chị kể, một người đồng nghiệp cũ của chị hay có thói quen “cầm nhầm” đồ của người khác.
“Có giai đoạn, nhiều món đồ của tôi không cánh mà bay. Cây son, chiếc đồng hồ hay cả hộp thực phẩm chức năng để trong ngăn kéo cũng biến mất một cách khó hiểu. Nhiều lần liên tục như vậy, tôi và nhiều đồng nghiệp khác đã yêu cầu công ty trích xuất camera để tìm ra thủ phạm. Đôi khi món đồ không đáng giá bao nhiêu nhưng nếu chị em đồng nghiệp cứ suốt ngày canh me, nghi ngờ lẫn nhau thì khó lòng làm việc”, chị Tuyến nói.
Sau khi biết được người lấy, chị đã hẹn gặp riêng để làm rõ ngọn nguồn. “Khi gặp phải trường hợp khó xử thế này, nên chọn cách nói chuyện trực tiếp với đồng nghiệp để hiểu nguyên nhân vì sao người ta làm thế. Nếu đồng nghiệp tôi xem việc lấy cắp như một thói quen, tôi quyết sẽ báo lên sếp. Trường hợp họ có nỗi khổ riêng, tôi sẽ tìm cách hòa giải và giúp đỡ. Dù thế nào đi nữa, nếu ăn cắp đồ và bị phát hiện, chữ tín của bạn trong mắt mọi người sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều!”, chị Tuyến khẳng định.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Anh Khương Duy, nhà sáng lập và Tổng giám đốc điều hành Công ty OhYeah Travel, chia sẻ hiện nay trong môi trường làm việc văn minh, hiện đại, tình trạng đồng nghiệp ăn trộm vặt không còn nhiều. Nhưng cũng không thể khẳng định tuyệt đối là vấn đề này không xảy ra, do đó cần có những biện pháp xử lý và cách phòng ngừa từ sớm.
“Bây giờ các công ty, văn phòng đều có lắp đặt camera, muốn biết ai lấy trộm đồ rất dễ. Tôi nghĩ các bạn sẽ không vì những món đồ vật chất mà đánh mất cơ hội làm việc, phát triển lâu dài và cả tình đồng nghiệp. Đương nhiên, nếu xảy ra chuyện này thật, ban giám đốc sẽ có phương án giải quyết triệt để, đảm bảo môi trường làm việc tốt nhất cho nhân viên. Bản thân mỗi chúng ta cũng nên có thói quen giữ gìn tài sản riêng của mình, những đồ có giá trị lớn nên cất kỹ bên người hoặc trong tủ khóa…”, anh Duy nói.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h
Nguồn: Sưu Tầm