Đây là ý kiến của Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (Tổng LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu tại Diễn đàn “Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức công đoàn đảm bảo quyền lợi của người lao động” tổ chức chiều 30.11, trong khuôn khổ hoạt động bên lề Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Xây dựng chính sách luật để bảo vệ người lao động từ xa
Trong những năm gần đây, việc phát huy vai trò người lao động, đoàn viên công đoàn tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có bước chuyển mới.
Công đoàn xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng góp phần thiết thực trong việc chăm lo, bảo vệ người lao động từ sớm, từ xa, trên diện rộng quyền và thực sự hiệu quả, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhìn nhận: “Thời gian qua, người lao động mới chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách. Có những chính sách phù hợp với nhóm này, nhưng lại chưa phù hợp với nhóm khác, có những chính sách lẽ ra họ phải được thụ hưởng nhiều hơn nữa… Chính sách pháp luật phải nói được tâm tư nguyện vọng của người lao động, vì vậy, chúng ta cần hướng tới người lao động sẽ cùng tham gia xây dựng chính sách để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Công đoàn cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để phát huy hiệu quả trong xây dựng chính sách pháp luật”.
Góp ý về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tham gia xây dựng chính sách, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho hay: “Tổng LĐLĐ Việt Nam phải giữ vai trò trung tâm, thu nhập những phản ánh, kiến nghị của người lao động, có cơ chế phối hợp với Chính phủ trong tiếp nhận, phản hồi và tiếp thu, điều chỉnh chính sách, pháp luật phù hợp, kịp thời”.
Theo ông Lợi, công đoàn không những tham gia ngay vào giai đoạn soạn thảo chính sách pháp luật, mà còn tham gia vào giai đoạn thẩm tra, lấy ý kiến tham vấn của người lao động, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý; đặc biệt là đối tượng trực tiếp chịu tác động của luật.
“Công đoàn phải kiên trì đeo bám vấn đề đến cùng, quan trọng là phải có ý kiến trao đổi lại khi cơ quan soạn thảo tiếp thu giải trình, cần phải làm rõ tại sao tiếp thu, tại sao không tiếp thu để đeo bám đến cùng nhằm bảo vệ được quyền, lợi ích của người lao động và đoàn viên công đoàn. Bên cạnh đó, cần chủ động trong hoạt động đánh giá, khảo sát để có những phát hiện, kiến nghị, bảo vệ quan điểm của công đoàn trong quá trình tham gia xây dựng chính sách, pháp luật”, ông Lợi góp ý.
Hãy đến tận nơi để nghe người lao động nói
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn cơ sở, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina (Đồng Nai), nhìn nhận gần đây sự hiểu biết chính sách pháp luật của công nhân lao động đã tăng lên rõ rệt, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ.
Lấy dẫn chứng từ việc sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), ông Phúc cho hay, người lao động sẵn sàng đưa ra những thắc mắc, tranh luận về các phương án thay đổi về chính sách BHXH.
Ông Phúc cho rằng, công đoàn cần quan tâm nhiều hơn đến ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, nhưng cũng phải phản hồi, giải trình trước các ý kiến cho người lao động.
“Chúng tôi có các kênh trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber… để ghi nhận ý kiến của người lao động. Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn sẵn sàng đến nơi ở, nơi làm việc để lắng nghe ý kiến của người lao động, đồng thời tìm cách phản hồi ý kiến thỏa đáng cho họ”, ông Phúc bày tỏ.
Theo ông Phúc, góc nhìn của những người trực tiếp thụ hưởng chính sách đôi khi cũng khác với góc nhìn của nhà quản lý. Vì vậy, các cấp công đoàn cần tăng cường thêm các chương trình tiếp xúc với người lao động, lắng nghe ý kiến của người lao động, đến với họ để nghe họ nói.
“Chúng ta cần đa dạng hóa các loại hình tiếp xúc với người lao động. Thực tế cho thấy, khi chúng tôi trực tiếp đến nơi họ ở, đến nơi họ làm việc… thì kết quả các ý kiến có chất lượng cao hơn”.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan T.Ư Đoàn, kiến nghị: “Công đoàn cần tăng cường hơn nữa việc lắng nghe phản ánh từ đoàn viên, từ cơ sở để nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng, tình hình quan hệ lao động, hoạt động của các đơn vị, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đoàn viên, người lao động.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin, trao đổi để các cán bộ, đoàn viên có trách nhiệm tham mưu, đề xuất chính sách, pháp luật chuyển tải thành các định hướng, quy định cụ thể trong từng chủ trương, chính sách, trong các đạo luật”.
Ngoài ra, theo bà Hạnh, công đoàn cần đa dạng hình thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả công tác tư vấn về chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin cho đoàn viên, người lao động, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên. Kịp thời giải quyết và tham gia giải quyết tốt đơn thư, khiếu nại về quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động.
Để phát huy tốt nhất vai trò của công đoàn trong việc xây dựng chính sách pháp luật cũng là trăn trở của các đại biểu Quốc hội. Bà Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chia sẻ: “Là đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri, chúng tôi rất muốn lắng nghe ý kiến đóng góp trực tiếp. Ví dụ như luật Công đoàn, chỉ cần người lao động nêu những bất cập… cũng là quý rồi. Từ những bất cập đó, chúng tôi sẽ hoàn thiện các quy định hiện hành”.
Vị đại biểu Quốc hội cũng góp ý, trong quá trình xây dựng, đóng góp ý kiến về các chính sách, pháp luật, tổ chức công đoàn cần tham gia với các cơ quan có thẩm quyền sát hơn, kịp thời hơn. Có thể gửi trực tiếp tới Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, đại biểu Quốc hội…
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h
Nguồn: Sưu Tầm