Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chính thức hoạt động năm 2004, vị trí được bao bọc bởi núi Hải Vân và núi Sơn Trà như hai cánh tay che chắn gió bão, tạo thành nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền, ngư dân khi có thời tiết xấu.
Mỗi ngày, âu thuyền Thọ Quang đón hàng trăm lượt tàu, thuyền của Đà Nẵng hay các tỉnh lân cận đánh bắt cá trên biển về neo đậu.
Tàu thuyền cập bờ để bán cá, lấy nhiên liệu, nước ngọt, lương thực… sau những chuyến đánh bắt dài ngày trên biển.
Tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sẽ có 5 trung tâm nghề cá lớn đồng bộ trong hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần thủy sản tại các vùng biển trên cả nước, trong đó có cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng).
Theo quy hoạch, trung tâm hậu cần nghề cá ở Đà Nẵng dự kiến mỗi ngày đón 300 lượt tàu cập cảng, lượng thủy sản qua cảng mỗi năm khoảng 100.000 tấn.
Những con cá sẽ được các thương lái thu mua rồi bán lại cho tiểu thương đưa ra chợ, nhập vào nhà hàng, vận chuyển đi các địa phương lân cận… phục vụ đời sống người dân.
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, trong tháng 8, sản lượng khai thác hải sản của thành phố này ước đạt hơn 3.500 tấn, tăng 17,7% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 8 tháng đầu năm, ngư dân Đà Nẵng khai thác hải sản đạt hơn 26.300 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, sản lượng khai thác hải sản biển tăng 1%, sản lượng khai thác hải sản nội địa tăng 32,2% so với cùng kỳ.
Thành phố Đà Nẵng đang đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
Các hạng mục được thực hiện gồm kết nối bến số 1, số 3 với bến số 2 và bến mới được xây dựng. Cùng với đó là nâng cấp, cải tạo chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang, xây dựng thêm một trạm xử lý nước thải, nâng cấp đường nội bộ, hệ thống thu gom, thoát nước mưa…
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, xác định rõ phát triển nghề cá bền vững là cốt lõi để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua Đà Nẵng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xử lý dứt điểm những khuyến nghị của EC.
Từ đầu năm, công tác kiểm tra đăng ký, đăng kiểm tàu cá và các điều kiện bảo đảm an toàn phương tiện được chú trọng, các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ được cơ quan chuyên môn quan tâm và thực hiện tốt.
Mới đây, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã có chỉ đạo khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, có kết quả, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC trong năm 2024.
Trong đó, cần theo dõi, giám sát 24/7 đối với 100% tàu cá Đà Nẵng hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá. Lập danh sách theo dõi, xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá mất kết nối hệ thống VMS. Xử phạt nghiêm 100% trường hợp vi phạm khai thác IUU, định kỳ 2 tuần/lần báo cáo kết quả.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về việc chậm trễ, không có chuyển biến trong công tác chống khai thác IUU trên địa bàn; để xảy ra các sai phạm, không đáp ứng yêu cầu của Thanh tra EC.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ; kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tấm gương điển hình trong công tác chống khai thác IUU.
Vị trí âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (Ảnh: Google Map).
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm