Doanh thu giảm nửa so với trước dịch Covid-19
20h, khu chợ Cầu Cống (đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TPHCM) vẫn tấp nập người qua lại. Thời điểm này, tiểu thương ở khu chợ vẫn còn làm việc, người lao động tự do thì tất bật trở về nhà.
Lúc này, xe bánh mì của chị Lê Thúy Liễu (44 tuổi) vào giờ “cao điểm”. Khách đến mua liên tục. Chị Liễu cùng 2 nhân viên luôn tay làm bánh mì. Chẳng mấy chốc, nguyên liệu đã hết trong nửa giờ đứng bán, chị Liễu phải vào bên trong lấy thêm hàng để phục vụ thực khách.
Chị Liễu cho hay, xe bánh mì luôn mở bán từ 15h, nhưng khoảng thời gian đông khách nhất là vào buổi tối. Bởi đó là thời điểm người lao động tự do tan làm, ghé đến tiệm mua bánh mì ăn tối thay cơm. Xe bánh mì mở qua khuya, đến 1h sáng hôm sau mới nghỉ.
Hàng bánh mì của chị Liễu có đa dạng các loại nhân như phá lấu, chả lụa, trứng, thịt khìa… vợ chồng chị chuẩn bị nấu nướng mỗi ngày.
Nhờ vậy “thịt thật”, “trứng thật”, giá cả lại dễ chịu, hầu hết người ăn dần trở thành khách quen nhiều năm.
Mỗi ổ bánh mì có giá 18.000-25.000 đồng, tùy vào loại nhân ăn cùng. Giá mỗi ổ bánh có thể giảm hoặc tăng tùy theo nhu cầu của thực khách. Nhưng hễ thấy ai khó khăn, nhìn cảnh người lao động đã lớn tuổi vẫn vất vả mưu sinh, chị Liễu đều âm thầm tặng bánh hoặc lấy nhiều nhân hơn đôi chút.
Được biết, hàng bánh mì của chị Liễu bán 300-400 ổ/ngày. Doanh số này, theo nữ chủ quán, đã là giảm một nửa so với thời điểm trước Covid-19.
“Bán hàng ăn thế này vất vả lắm. Vợ chồng tôi phải dậy sớm để lấy hàng mới, vì không dùng nguyên liệu để qua đêm. Công đoạn sơ chế cũng do chúng tôi chuẩn bị, quần quật đến giờ bán rồi dọn hàng, tới 5h sáng mới ngả lưng, cứ thế thành một vòng lặp đi lặp lại đã 17 năm qua”, chị Liễu nói.
Theo bà chủ xe bánh mì, nghề này vất vả vì người bán phải chọn lựa, sơ chế nguyên liệu kỹ càng, vệ sinh. Kinh doanh thực phẩm, vấn đề liên quan đến sức khỏe của thực khách là quan trọng nhất. Tâm thế ấy mang lại uy tín cho tiệm bánh đã 17 năm tuổi.
“Xe bánh chúng tôi đặt tên là “bánh mì Ông Mập” vì ngày xưa chồng tôi mập lắm, người ta hay gọi anh ấy như vậy. Nhưng làm việc nhiều quá nên giờ ảnh ốm lại luôn, không còn mập nữa”, chị Liễu cười, nói.
Không có dư vì tin và giúp người
Chị Liễu bộc bạch, xe bánh mì này là tâm huyết của chồng chị, anh Lưu Vạn An (56 tuổi). Trước đây, chị Liễu ở Vĩnh Long lên TPHCM lập nghiệp rồi gặp anh An.
Đứng trước lựa chọn về chồng lệch tới 13 tuổi, chị Liễu đã gật đầu, vì ưng cái tính hiền lành, sự chân thành của người đàn ông đứng tuổi. Sau khi cưới, chị cười kể, vợ chồng cũng khá “khắc khẩu”, khác biệt tuổi tác, nhưng anh thực sự một mực yêu thương vợ, dù có cự cãi qua lại, cặp đôi làm gì cũng có nhau.
Thời đó, anh An làm bảo vệ, lương chỉ 600.000 đồng/tháng. Ngày vợ mang bầu, sợ không có tiền lo cho con nhỏ sắp chào đời, anh An đi làm thêm, phụ việc ở nhà hàng để tăng thu nhập.
Sau 1 năm, vì đam mê nấu ăn, anh quyết định bỏ việc, dùng 8 triệu đồng tích cóp để thuê nhà, mở xe bán bánh mì. Đó cũng là lúc cô con gái đầu lòng của anh chị được 1 tuổi.
“Chúng tôi chỉ có cô con gái duy nhất đó nên quyết làm mọi việc vì con. Ngày đó gia đình khó khăn lắm, ngày bán chỉ vài chục ổ bánh, đủ tiền cho con uống sữa, còn vợ chồng tôi ăn uống tạm bợ qua ngày”, chị Liễu nhớ lại.
Dần dà, hàng bánh mì của anh chị thành quen thuộc với người lao động ở khu vực chợ Cầu Cống. Từ vài chục ổ, mỗi ngày anh chị bán 600-800 ổ bánh mì, doanh thu “khủng”.
Ông bà chủ xe bánh cùng cười xòa kể, cả hai cũng từng cùng nhau đi qua những ngày ế khách, phải ăn bánh mì trừ cơm.
Thương con gái, vợ chồng chị luôn chăm chỉ làm ăn, kiếm tiền để cho con đi học. Hàng bánh mì chỉ vắng bóng anh An những lúc anh đưa con gái đến trường, rồi gần đây là đưa đón con đi làm.
Kể chuyện vui vẻ khi vẫn luôn tay, chị Liễu chợt khựng lại, ngại ngùng thú nhận, vợ chồng chị vẫn ở căn nhà thuê để bán bánh mì suốt 17 năm qua. Con gái anh chị mới đây đã qua ở nhà cùng bố mẹ chồng.
“Nói ra thì ngại nhưng tới giờ chúng tôi vẫn chưa mua được căn nhà. Nhiều năm mà tiền làm ra không biết vì sao cũng đi đâu hết, không có dư”, chị Liễu cười xòa.
Bà chủ hàng bánh mì chia sẻ, vợ chồng chị có “sở thích” giúp người thân trong gia đình. Hễ thấy ai trong gia đình khó khăn hoặc bạn bè đến mượn tiền, chị đều rộng rãi đưa mà không lên tiếng đòi lại.
“Thấy người ta như vậy không lẽ mình có mà mình không giúp. Coi như ông trời cho mình chén cơm nuôi con học lên đại học, mình trả lại phúc đức, lo cho người thân trong nhà. Giờ vợ chồng tôi chưa có đủ tiền mua một căn nhà riêng, nhưng còn sức còn làm, cứ tích cóp rồi cũng có ngày thỏa nguyện”, chị Liễu tâm niệm.
Chị Hà Thu, tiểu thương kinh doanh tại khu chợ, cho biết vợ chồng chị Liễu vẫn đang ở nhà thuê, cũng là nơi bán bánh mì suốt nhiều năm qua.
“Chị Liễu hiếm khi đi chơi nên hàng bánh mì không mấy lúc vắng bóng vợ chồng chị. Vợ chồng Liễu hiền lành lắm, cả hai chỉ chí thú làm ăn, không ham chơi, cờ bạc gì cả và rất lo cho gia đình, người thân”, chị Thu nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm