Đây là thông tin được Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết ngày 8.5, về việc xem xét xử lý tiền ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS), nhưng đã ở lại trái pháp luật.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, đơn vị này thông báo danh sách 3.191 lao động bị xử lý tiền ký quỹ, do có hành vi tự ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Đáng chú ý, trong danh sách này đông nhất là lao động tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định… Theo Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ, người lao động tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ bị xử lý tiền ký quỹ.
Trung tâm Lao động ngoài nước đề nghị người lao động hoặc đại diện gia đình người lao động có tên trong danh sách nêu trên chủ động liên hệ với sở LĐ-TB-XH nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc để cung cấp thông tin về quá trình chấp hành hợp đồng tại Hàn Quốc, đảm bảo việc xử lý tiền ký quỹ đúng quy định.
Trường hợp người lao động có ý kiến phản hồi khác với thông báo, đề nghị nộp các giấy tờ liên quan bao gồm bản sao chứng thực hộ chiếu, giấy xác nhận kế hoạch về nước; hợp đồng lao động ký với chủ sử dụng lao động; bản sao chứng minh thư người nước ngoài tại Hàn Quốc thông qua sở LĐ-TB-XH để Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với phía Hàn Quốc thẩm tra.
Trong thời hạn 40 ngày làm việc kể từ ngày đăng thông báo này nếu người lao động không có phản hồi và Sở LĐ-TB-XH nơi người lao động đăng ký hộ khẩu thường trú trước đi làm việc tại Hàn Quốc không có kết quả xác minh khác, Trung tâm lao động ngoài nước sẽ đơn phương thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản cho Ngân hàng Chính sách xã hội để xử lý khoản tiền ký quỹ của người lao động.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Việc ký quỹ này là một trong những chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý người lao động. Nếu người lao động bỏ hợp đồng, hoặc không về nước sau khi hoàn thành hợp đồng, thì tiền ký quỹ và tiền lãi được chuyển vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ chính sách giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của địa phương.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, Hàn Quốc thu hút nhiều lao động Việt Nam sang làm việc, song cũng là thị trường có số lao động bỏ trốn ra khỏi hợp đồng và cư trú bất hợp pháp cao nhất. Đến tháng 11.2023, số lao động bỏ trốn ra khỏi hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 12.245 người, chiếm tỷ lệ 26%.
Bộ LĐ-TB-XH lý giải nguyên nhân là do nhận thức của lao động yếu kém, không nhận thức được những tác hại, nguy hiểm khi bỏ trốn ra ngoài làm việc trái phép.
Theo Quyết định số 12/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, từ ngày 15.5.2020, trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc người lao động phải ký quỹ 100 triệu đồng để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Người lao động được hoàn trả tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) trong các trường hợp: về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động; chuyển đổi thị thực cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc; chết hoặc bị mất tích theo quy định pháp luật trong thời gian làm việc theo hợp đồng.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h
Nguồn: Sưu Tầm