Các số liệu thống kê và ghi nhận từ thực tế cho thấy hiện có tình trạng nhân lực đã qua đào tạo, nhất là người lao động (NLĐ) có trình độ đại học trở lên đang khó tìm việc. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) lại đang “khát” nguồn lao động phổ thông. Sở nhìn nhận thế nào về thực trạng này?
Ông Lê Văn Thinh: TP.HCM là TP dịch vụ – công nghiệp hiện đại và cũng là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước. Chính sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đã góp phần thúc đẩy thị trường lao động hoạt động linh hoạt, hiện đại.
Hiện TP có 57 cơ sở giáo dục đại học, 354 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giúp NLĐ, nhất là các bạn trẻ có cơ hội học tập, rèn luyện chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng nghề, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu xã hội đặt ra cho từng lĩnh vực ngành nghề. Cùng với đó, TP được thêm lợi thế khi có nhiều DN và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Từ đó mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho NLĐ từ công việc giản đơn đến công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao.
Vấn đề việc làm, thu nhập là nhu cầu thiết yếu của NLĐ trong việc ổn định cuộc sống và chăm lo cho người thân. Do đó NLĐ luôn mong muốn tìm kiếm việc làm tốt với mức tiền lương thu nhập cao, DN có chế độ đãi ngộ tốt, môi trường làm việc thân thiện, phát huy năng lực sở trường của họ.
Việc NLĐ đăng thông tin cá nhân trên nhiều trang điện tử tuyển dụng lao động chưa phản ánh việc NLĐ khó tìm kiếm việc làm hoặc đăng thông tin nhưng không có nhà tuyển dụng quan tâm.
Thay vào đó, cần xét đến nhiều yếu tố xuất phát từ NLĐ và người sử dụng lao động. Ngoài ra, bản thân NLĐ cần phải làm nổi bật bản thân của mình, chủ động tiếp cận tìm hiểu thông tin của các nhà tuyển dụng để tự giới thiệu với nhà tuyển dụng và đi đến thỏa thuận các yêu cầu về việc làm, thu nhập và các chế độ phúc lợi.
Đánh giá của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động đã qua đào tạo hiện nay?
TP.HCM được đánh giá có lực lượng lao động trẻ, năng động và làm việc ở đa dạng ngành nghề. Với các xu hướng về việc yêu cầu trình độ, bằng cấp và các kỹ năng liên quan ngày một cao của DN trong nước lẫn quốc tế, thì lực lượng lao động của TP.HCM có lợi thế lớn so với các địa phương khác về mức độ tiếp cận với giáo dục đào tạo.
Chất lượng lao động qua từng năm được cải thiện, tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo (bao gồm có bằng cấp, chứng chỉ và lao động qua đào tạo nhưng không có bằng) tăng lên đáng kể, thuộc loại cao nhất cả nước.
Tuy nhiên, qua đánh giá của các DN và nhìn nhận từ góc độ cơ quan quản lý, Sở LĐ-TB-XH cho rằng hiện sự chênh lệch về kỹ năng lao động của NLĐ còn cao. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu trước sự thay đổi và phát triển không ngừng của khoa học công nghệ.
Có thể thấy TP không thiếu lực lượng lao động, nhưng có tình trạng thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển, cũng như thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành trọng điểm.
Một số DN còn sử dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất cũ dẫn đến NLĐ mất cơ hội tiếp cận với các công nghệ mới, không có điều kiện nâng cao chuyên môn tay nghề.
Vậy theo ông, cần có những giải pháp trước mắt và giải pháp dài hơi nào để điều tiết thị trường lao động?
Hồi giữa tháng 5, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 1649 phê duyệt Chiến lược lao động – việc làm trên địa bàn giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung các nội dung trọng tâm gồm:
Thứ nhất, đào tạo nguồn nhân lực. Ở nội dung này, các đầu việc mà TP.HCM sẽ làm bao gồm hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị; đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với DN và thị trường lao động. Đồng thời, tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho giáo dục nghề nghiệp.
Thứ hai, liên kết vùng trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực; liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành, nghề mới gắn với công nghệ và các lĩnh vực mà TP.HCM ưu tiên phát triển.
Thứ ba, TP.HCM sẽ đẩy mạnh hỗ trợ, tham vấn chính sách pháp luật về lao động; thúc đẩy đối thoại, thương lượng, chia sẻ khó khăn với NLĐ và chủ DN. Cùng với đó là tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, phát triển quan hệ lao động hài hòa.
Bên cạnh đó, cùng với Sở LĐ-TB-XH, các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu các chương trình, hoạt động để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có nội dung hướng đến duy trì và phát triển DN, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho NLĐ theo hướng bền vững.
Đó là ở góc độ vĩ mô, còn ở khía cạnh vi mô, Sở LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt sát sao tình hình sản xuất kinh doanh, lao động để giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh. Cùng với đó là thực hiện hiệu quả kết nối cung – cầu lao động, giới thiệu việc làm trực tiếp và trực tuyến thông qua các sàn giao dịch việc làm.
Ngoài ra, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện tốt và tham mưu nhiều chính sách an sinh xã hội cơ bản, hỗ trợ NLĐ yếu thế (như thông qua công tác giảm nghèo, hỗ trợ NLĐ di cư từ các tỉnh đến TP.HCM làm việc), đào tạo lại nghề cho NLĐ… để từ đó từng bước hướng đến xây dựng hệ thống an sinh xã hội toàn diện và công bằng, đảm bảo các quyền cơ bản của người dân.
Xin cảm ơn ông!
Mục tiêu là hướng tới việc làm bền vững
Theo Chiến lược lao động, việc làm, TP.HCM có nhiều giải pháp mạnh mẽ để phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo các ngành mới, theo xu hướng và định hướng của địa phương. Việc phát triển nguồn nhân lực nhằm hướng tới mục tiêu tiên quyết là đảm bảo việc làm bền vững trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Các đầu công việc có thể kể đến là hoàn thành di dời các cơ sở giáo dục đại học ra khỏi khu vực nội thành sau năm 2030; sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc TP quản lý đến năm 2025; thu hút nhân tài; gắn kết cơ sở đào tạo và DN. Cùng với đó các chính sách để nâng cao chất lượng giáo dục, bao gồm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm