Bộ LĐ-TB-XH vừa có công văn gửi các sở LĐ-TB-XH về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động cho thuê lại lao động.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, toàn quốc có 41/63 địa phương đã cấp phép cho 531 doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động.
Nhìn chung, các quy định của pháp luật lao động về cho thuê lại lao động được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện, bước đầu đã giải quyết được nhu cầu thực tế về sử dụng lao động cho thuê lại.
Bên cạnh đó, nhiều quy định của pháp luật về cho thuê lại lao động chưa được doanh nghiệp thực hiện, gồm: cho thuê lại lao động nhưng không có giấy phép hoạt động; cho thuê lại lao động không thuộc ngành, nghề được phép hoạt động cho thuê lại lao động; hợp đồng cho thuê lại lao động chưa đầy đủ nội dung chủ yếu, đặc biệt là những nội dung quan trọng đảm bảo ràng buộc nghĩa vụ của hai bên đối với quyền lợi của người lao động thuê lại, các biện pháp giải quyết tranh chấp xảy ra khi một trong hai bên hoặc cả hai bên vi phạm hợp đồng đã ký.
Đáng chú ý, nhiều đơn vị không niêm yết công khai bản chính giấy phép cho thuê lại lao động tại trụ sở chính của doanh nghiệp; không báo cáo hoạt động cho thuê lại lao động.
Để chấn chỉnh những tồn tại trên, Bộ LĐ-TB-XH, yêu cầu các Sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành phố rà soát hoạt động cho thuê lại lao động tại địa phương để bổ sung vào kế hoạch thanh tra 6 tháng cuối năm 2024, hoặc đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2025, đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động và doanh nghiệp thuê lại lao động.
Trước đó, tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về cho thuê lại lao động do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức cuối năm 2023, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhận định cho thuê lại lao động là loại hình kinh doanh đặc thù, mang lại lợi ích cho các bên nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro quyền lợi cho người lao động. Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao sự quản lý của nhà nước trong lĩnh vực này để giảm bớt rủi ro cho người lao động.
Tại Việt Nam, loại hình kinh doanh này có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều năm qua, đặc biệt tại các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Ngành nghề kinh doanh chính của các doanh nghiệp thuê lại lao động chủ yếu sản xuất, lắp ráp điện tử, thuộc chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
Xu hướng cho thuê lại lao động trở thành quan trọng trong nền kinh tế thị trường, giúp doanh nghiệp đáp ứng kịp thời sản xuất kinh doanh. Đây cũng là cơ hội cho người lao động có tay nghề thấp tìm kiếm việc làm, có cơ hội học hỏi, rèn luyện.
Theo điều 52 bộ luật Lao động 2019, cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.
Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.
Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã ký với người lao động.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm