Nếu có hành vi xóa dữ liệu, phá hủy tài sản của công ty, người lao động có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không? Phía công ty nên xử lý thế nào cho “hợp tình, hợp lý”?
Ngã ngửa vì nhân viên cũ xóa dữ liệu
Một nữ quản lý bộ phận truyền thông của công ty chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) chia sẻ, khi vào làm ở công ty, mỗi nhân viên sẽ được cấp một tài khoản cá nhân để đăng sản phẩm, bài viết lên các nền tảng. Cách đây không lâu, có một bạn nhân viên trong nhóm chị xin nghỉ việc đột ngột, không nói rõ lý do. Điều làm chị sốc hơn nữa đó là bạn ấy xóa hết những bài viết, tài liệu do bạn thực hiện trong thời gian làm việc tại công ty.
“Mọi chuyện thật sự nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Khi phát hiện mất dữ liệu, tôi liên hệ với bạn và bắt buộc phải đối thoại làm rõ nhưng bạn không chịu, chỉ nói là cái đó bạn làm nên bạn có quyền xóa. Tôi nghĩ, dù các bạn có không hài lòng với công ty thì cũng không nên hành động như thế. Điều đó thể hiện thái độ, trình độ của bạn đang ở đâu. Nếu chuyện này lan ra ngoài, bạn cũng khó lòng mà tìm được công ty tốt về sau”, người quản lý nói.
Chị cũng bày tỏ thêm, những người làm nhân sự, quản lý trong cùng một lĩnh vực thường sẽ có mối quan hệ giao lưu với nhau. Không một công ty nào dám nhận một người lao động “trả đũa” công ty cũ bằng cách xóa dữ liệu quan trọng vì họ sợ điều đó sẽ lặp lại với công ty của mình.
“Tôi nghĩ chúng ta nên hành xử một cách văn minh, nếu có điều gì chưa hài lòng thì nên thẳng thắn với nhau, không ai là người được lợi trong những trường hợp éo le thế này. Có thể dữ liệu của công ty sẽ được khôi phục nhưng uy tín, danh dự của bạn nhân viên ấy đã mất đi vài phần”, chị khẳng định.
Theo người quản lý này, công ty đồng ý bỏ qua cho nhân viên vì hiểu được đó chỉ là hành động nhất thời, bồng bột nhưng điều đó cũng không có nghĩa là những công ty khác cũng sẽ như thế. Trường hợp thiệt hại cho công ty quá nặng, họ có thể khởi kiện và buộc nhân viên đó bồi thường thiệt hại theo đúng quy định.
Làm vì cảm tính coi chừng trả giá đắt
Chia sẻ với Thanh Niên về vấn đề này, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, người lao động khi làm việc với công ty sẽ thông qua hợp đồng lao động được bộ luật Lao động năm 2019 điều chỉnh.
Theo đó, người lao động bán sức lao động của mình (có thể là sức lực về tay chân hoặc chất xám) cho người sử dụng lao động để nhận lại được tiền lương tương xứng.
Như vậy, tất cả những gì mà người lao động được người sử dụng lao động giao phó (tùy vào vị trí công việc) mà người lao động đó có thể tạo ra một tài sản, sản phẩm cho công ty để công ty trực tiếp sử dụng, khai thác nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp hoặc bán sản phẩm đó thu lại tiền hoặc lợi ích khác.
Có nghĩa là, trong mối quan hệ này, người lao động chỉ có tài sản duy nhất chính là con người họ (trừ một số trường hợp, họ buộc phải có thêm công cụ lao động). Trong quá trình họ làm việc, mọi giá trị tạo ra đều thuộc sở hữu của người sử dụng lao động (trừ quyền tác giả trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ).
Như vậy khi người lao động nghỉ việc, bắt buộc họ phải bàn giao lại cho người sử dụng lao động những gì không thuộc về người lao động (dữ liệu, tài liệu, tài sản là công cụ người sử dụng lao động được trang bị…). Trường hợp nếu họ không thực hiện việc bàn giao hoặc họ có hành vi chiếm giữ hay có hành vi phá hủy các tài liệu, dữ liệu của công ty, tức họ đã vi phạm và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.
Cũng theo luật sư, khi phát hiện người lao động có hành vi phá hủy hay chiếm đoạt dữ liệu, phía công ty có quyền và có thể thực hiện các biện pháp pháp lý như sau:
Một là, giải quyết bằng con đường thương lượng làm việc với người lao động để yêu cầu bồi thường. Trường hợp nếu không thương lượng giải quyết được, họ có quyền khởi kiện ra cơ quan tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Hai là, họ có thể gửi đơn đến cơ quan công an để tố giác tội phạm cho hành vi của tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; theo quy định tại điều 342 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Câu hỏi đặt ra trong trường hợp này là người lao động có thể nhận hình phạt gì nếu có hành vi phá hủy, xóa dữ liệu của công ty?
Luật sư Lê Trung Phát cho biết, nếu bị điều tra và bị khởi tố, người phạm tội có thể phải đối mặt với khung hình phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm tù.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Hoặc có thể bị khởi tố tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, theo điều 178 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Nếu bị khởi tố, người phạm tội có thể đối mặt với hình phạt bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tù…
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm