Sáng 8/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn bộ trưởng các bộ thuộc nhóm lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tại phiên chất vấn chiều 7/11, đại biểu Trần Kim Yến (Hồ Chí Minh) đặt vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Đại biểu Trần Kim Yến cho biết, theo phản ánh của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, các thủ tục hành chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, kể cả việc thanh toán, quyết toán còn rườm rà, nhiều thủ tục và mất rất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan, địa phương, đơn vị.
Đại biểu nhấn mạnh, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính là một trong những vấn đề rất cần thiết khi thực hiện chính quyền điện tử. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ các giải pháp để giải quyết vấn đề trên.
Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế: Theo báo cáo số 3006 của Tổng Thư ký Quốc hội và qua phản ánh của cử tri, hiện nay tình trạng lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật lâm sàng như xét nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh, chỉ định các dịch vụ kỹ thuật cao và thuốc quá mức và không cần thiết, gây tốn kém cho người dân, nhất là người nghèo.
Trước thực trạng này, đại biểu đề nghị cho biết trách nhiệm của Bộ Y tế, giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên?
Còn đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đại biểu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”.
Tuy nhiên, qua giám sát tại địa phương cho thấy còn nhiều trường Trung học cơ sở đang rất vất vả, khổ sở khi phải bố trí 2 đến 3 giáo viên dạy môn tích hợp như môn lịch sử, địa lý và môn khoa học tự nhiên.
Một trong những nguyên nhân đã được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra là công tác đào tạo giáo viên dạy các môn học tích hợp và môn học mới triển khai còn chậm, tính dự báo và kế hoạch không cao.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao việc thực hiện đề án nêu trên còn chậm; Bộ đang thực hiện giải pháp gì để khắc phục và đến khi nào khắc phục được tình trạng trên?
Lĩnh vực văn hóa – xã hội là nhóm ngành cuối cùng được chọn cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply