Vùng đất xã Ia Blứ nói riêng và huyện Chư Pưh, Gia Lai trở nên điêu tàn, đất đai bỏ hoang khi dịch bệnh tiêu chết trắng quét qua năm 2018. Cây tiêu chết, do nợ nần nên nhiều người dân đã bỏ vào các thành phố lớn làm ăn.
Sau dịch Covid-19, người dân từ các thành phố lớn lại trở về xã Ia Blứ để tìm hướng phát triển kinh tế từ các cây trồng nông nghiệp. Trong cái khó, nhiều bà con đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích tiêu chết, đất trống sang trồng hoa hòe.
Những ngày này, ông Nguyễn Văn Sở (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ) đang tất bật thuê người thu hoạch trang trại hoa hòe rộng 7ha.
Ông Sở cho hay, năm 2007, ông từ quê Thái Bình vào Gia Lai để trồng tiêu. Thấy tiêu giá cao, ông Sở đã mạnh dạn vay mượn hơn 3 tỷ đồng, đầu tư trồng 4ha tiêu. Cây tiêu vừa cho thu bói thì xảy ra tình trạng chết hàng loạt khiến cho gia đình mất trắng số tiền đầu tư. Từ thất bại, ông Sở tiếp tục mày mò tìm cây trồng phù hợp trên diện tích tiêu chết.
“Tôi ở quê đã có kinh nghiệm trồng hoa hòe từ lâu. Khi vào Gia Lai, tôi thử nghiệm và thấy loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng nên mạnh dạn nhân rộng mô hình. Tôi cũng đầu tư thêm máy móc chế biến, thu hoạch hoa hòe”, ông Sở chia sẻ.
Theo ông Sở, hoa hòe là loại cây trồng để lấy hoa. Khoảng 10 tháng sau khi xuống giống, cây bắt đầu cho thu hoạch. Cây này dễ chăm sóc, thu hái quanh năm.
Hiện nay, hoa hòe đang có giá 80.000-90.000 đồng/kg khô. Vụ vừa rồi, ông Sở đã thu hoạch được hơn 5 tấn. Sau khi trừ chi phí, ông Sở thu lãi gần 400 triệu đồng. Dự kiến năm nay, vườn hoa hòe đạt 7-8 tấn.
Bình quân mỗi diện tích hoa hòe thu về 3-4 tấn hoa khô, thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm. Tùy vào từng thời điểm mà mức thu nhập này có thể tăng cao.
“Cây rất dễ chăm sóc, trung bình mỗi năm chỉ cần bón 1 lần phân chuồng. Đặc biệt, cây hoa hòe ít bị sâu bệnh, chịu hạn tốt nên gần như không sử dụng thêm phân thuốc gì. Tôi cũng mong chính quyền nghiên cứu để định hướng giúp người dân liên kết, tìm đầu ra ổn định.”, ông Sở bộc bạch.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Sỹ (thôn Phú Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) bắt đầu trồng cây hoa hòe từ năm 2016. Thấy loại cây trồng mới nên anh Sỹ cũng cẩn trọng, không phát triển rộng.
Sau nhiều năm chăm sóc và thu hái, gia đình anh Sỹ đã thu hàng trăm triệu đồng mỗi ha. Từ đó, anh Sỹ mạnh dạn chuyển sang chuyên canh cây hoa hòe. Gia đình anh đang sở hữu khoảng 7ha hoa hòe.
“Cây hoa hòe cho thu hoạch quanh năm và lợi nhuận gấp nhiều lần so với các cây trồng trên địa bàn. Nhiều năm nay, tôi kết nối với một số nhà máy sản xuất tinh dầu để bán. Tôi cũng mong muốn các đơn vị liên kết có thể nghiên cứu xây dựng nhà máy nhằm tạo đầu ra ổn định ngay cho người dân ngay trên vùng nguyên liệu”, anh Sỹ cho hay.
Với ưu điểm dễ trồng, nhanh cho thu nhập nên chỉ trong thời gian ngắn, diện tích trồng cây hoa hòe tại xã Ia Blứ tăng gần 70ha. Trước bài học trồng cây tiêu rầm rộ để rồi dịch bệnh tràn lan, chính quyền địa phương xã Ia Blứ cũng lo lắng đối với cây hoa hòe.
Ông Nguyễn Bá Hoành Thiên, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, cho hay: “Đến thời điểm này, tổng diện tích trồng cây hoa hòe của xã đã gần 70ha. Với giá gần 90.000 đồng/kg, so với các loại cây trên địa bàn, hoa hòe đang mang lại cho bà con thu nhập cao.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo bà con không nên trồng ồ ạt, độc canh cây hoa hòe. Theo đó, bà con nên trồng xen canh, đa canh nhiều loại cây. Thời điểm này chưa có đơn vị chính thức nào đứng ra thu mua và đảm bảo giá cả ổn định cho cây hoa hòe.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply