Trao đổi với phóng viên Dân trí, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Hoàng Quang Phòng đồng ý với quan điểm phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng, song ở mức bao nhiêu cần cân nhắc, đàm phán hài hòa, phù hợp.
“Chắc chắn phải có động thái động viên người lao động kịp thời. Tuy nhiên, các mức tăng ra sao còn phải bàn bởi còn liên quan đến chỉ số tiêu dùng, năng lực sản xuất, chi trả, điều kiện khác… nên không thể thờ ơ trong chuyện này”, ông Phòng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia nêu, tưởng chừng sau dịch Covid-19, doanh nghiệp sẽ phục hồi. Nhưng, hiện nay doanh nghiệp gặp khó khăn hơn, ở cả thương trường nội địa và quốc tế.
“Người sử dụng lao động đang phải cố gắng tìm mọi cách để duy trì việc làm, bảo vệ người lao động. Người lao động là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp mà không bảo vệ được họ là bất cập”, ông Phòng chỉ rõ.
Về mức tăng bao nhiêu, ông Phòng cho rằng, phía đại diện doanh nghiệp sẽ cùng các cơ quan có liên quan, các thành viên khác bàn bạc đưa ra quyết sách cho phù hợp. Tuy vậy, ông vẫn nhận định phương án tăng lương tối thiểu chắc chắn khó hài lòng tất cả, nhưng trong phạm vi chấp nhận được.
“Thời điểm từ ngày 1/1/2024 sẽ không kịp tăng lương và từ ngày 1/7/2024 điều chỉnh lương tối thiểu sẽ khả thi hơn”, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, phân tích.
Trao đổi về việc liệu có thể thống nhất đàm phán lương tối thiểu vùng ở phiên 2 tới đây, ông Phòng cho biết, điều này cần phải căn cứ vào diễn biến phiên họp. Nếu tất cả các bên thống nhất cao sẽ chỉ cần 1 phiên, còn lại buộc phải đàm phán thêm một phiên nữa.
Nêu ý kiến về vấn đề trên, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đơn vị này vẫn chưa thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu vùng.
Dự kiến, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ hai đàm phán về lương tối thiểu vùng 2024 vào sáng 20/12 tại Hà Nội.
Trước đó, đầu tháng 8, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên, bàn thảo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.
Kết thúc phiên họp thứ nhất vào sáng 9/8, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất thời điểm họp các phiên tiếp theo vào quý IV năm 2023 thay vì vào tháng 7, 8 như thông lệ.
Tại phiên họp, đại diện người lao động, chủ sử dụng lao động… trình bày các căn cứ, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Về cơ bản, tất cả các thành viên đều chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, chia sẻ với đời sống của công nhân, người lao động khi thu nhập chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.
Bộ phận kĩ thuật đưa ra đề xuất tăng lương vào thời điểm từ ngày 1/1/2024 hoặc ngày 1/7/2024. Mức đề xuất tăng lương tuân theo nguyên tắc sao để lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống tối thiểu.
Công đoàn mong muốn mức điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2024 tăng từ 5-6%.
Mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng tại Việt Nam từ 1/7/2022 đến hết ngày 30/12/2023 theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.
Về mức lương tối thiểu giờ, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply