Công lớn của ngành lao động
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ vui mừng khi dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành LĐ-TB&XH, để thực hiện nhiệm vụ là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế xã hội.
2023 được Phó Thủ tướng nhận định là năm đầy sóng gió, thách thức vượt cả dự báo. Trong bối cảnh đó, từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ ngành, toàn dân, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Trong thành tựu chung của cả nước cũng như của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là đã thực hiện tốt các giải pháp phục hồi thị trường lao động, giải quyết có hiệu quả các vấn đề an sinh cho người lao động bị buộc thôi việc, giãn việc, giảm giờ làm ở các doanh nghiệp. Đóng góp này của Bộ LĐ-TB&XH, theo Thủ tướng, rất đáng trân trọng, ghi nhận.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, dù chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 trên 5% chưa đạt kỳ vọng đề ra nhưng trong bối cảnh khó khăn chung, đó đã là niềm mơ ước với nhiều nước. Cùng với thị trường lao động, các thị trường, lĩnh vực hoạt động khác như thương mại, dịch vụ, du lịch cũng đã vượt được chỉ tiêu đề ra.
Lĩnh vực xã hội, Phó Thủ tướng nhận định, ngành LĐ-TB&XH đã giúp Việt Nam trở thành điểm sáng được quốc tế ghi nhận trong cuộc chiến chống đói nghèo. Việt Nam tăng nhiều bậc trong bảng xếp hạng các quốc gia về các chỉ số đánh giá mức phát triển xã hội.
Phó Thủ tướng nhắc lại việc tổng kết Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương về chính sách an sinh xã hội, từ đó Trung ương tiếp tục ban hành Nghị quyết 42 về vấn đề chính sách xã hội trong tình hình mới, chuyển đổi từ việc thực hiện chính sách an sinh đảm bảo và ổn định sang ổn định và phát triển.
Ghi nhận khác của lãnh đạo Chính phủ với ngành là việc Việt Nam đã đưa hơn 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023. Việc này góp phần quan trọng với nhiệm vụ đảm bảo công ăn việc làm cho người dân.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên 68% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%), cũng là một con số ấn tượng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục xem xét kỹ hơn các chỉ số, để có đánh giá xác thực hơn về tình hình.
Theo Phó Thủ tướng, thị trường lao động có lúc chưa đạt được sự cân đối. Ông kể chuyện, có những tập đoàn nước ngoài đến Việt Nam đầu tư nhưng khi tuyển dụng lao động lại chỉ gom được lao động phổ thông, làm công việc gia công, còn lao động chất lượng cao, lao động kỹ thuật, công nghệ rất thiếu, rất khó kiếm.
Một biểu hiện đáng lo ngại, theo lãnh đạo Chính phủ là tình trạng người rút BHXH có xu hướng tăng do tình trạng mất việc, buộc cơ quan chức năng phải tìm ra những nguyên nhân để có hướng điều chỉnh chính sách phù hợp, tăng lòng tin của người lao động trong hệ thống an sinh xã hội.
Việc này liên quan đến con số thực tế khác, số lao động có việc làm trong khu vực phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao (65%). Đây là thách thức rất lớn trong quá trình chuyển đổi nguồn nhân lực.
Tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao
Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, nhiệm vụ của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong năm 2024 rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm, tận tâm, bám sát thực tế của lãnh đạo, cán bộ nhân viên trong ngành.
Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi ý Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu Chính phủ chương trình hành động triển khai Nghị quyết 42 của Ban chấp hành Trung ương.
Đặc biệt là quan tâm đến những vấn đề, thách thức, khó khăn đặt ra, từ đó có phân công và lộ trình để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đồng thời thể chế hóa, luật định các quan điểm, chủ trương của Trung ương Đảng, như luật BHXH sửa đổi, luật Việc làm sửa đổi.
Bộ cần sớm tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động, việc làm, an sinh xã hội phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các cam kết trong FTA (hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới; giải quyết các vấn đề trong quan hệ với người sử dụng lao động và người lao động, đối thoại, thương lượng tập thể…
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ muốn Bộ chú trọng bám sát nhu cầu thị trường lao động, trong đó có sàn giao dịch việc làm quốc gia để theo dõi, đánh giá, cập nhật, nắm được diễn biến cung – cầu lao động.
Ông đề cập thời điểm quý 1/2024, Thủ tướng, Phó thủ tướng sẽ dự lễ ra mắt sàn giao dịch việc làm quốc gia. Đây là sàn giao dịch lao động – việc làm quốc gia, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước.
Ngành LĐ-TB&XH sẽ là cơ quan thực hiện chuyển đổi số toàn diện nhất khi có sàn giao dịch điện tử này.
Bộ LĐ-TB&XH cũng được giao chủ trì hoàn thành khung chính sách quốc gia và chiến lược thích ứng quá trình già hóa và mất cân bằng giới trong dân số.
“Các bộ, ngành phải nhận thấy đây là một thách thức rất lớn. Sẽ đến thời điểm một người lao động phải nuôi 4-5 người già nên cần lo vấn đề an sinh ngay từ bây giờ”, lãnh đạo Chính phủ nhắc.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành LĐ-TB&XH với vai trò hạt nhân trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện chính sách ưu đãi về người có công với cách mạng, thời gian tới cần nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện mức chuẩn trợ cấp, cung cấp ưu đãi, hướng tới mức ưu đãi cao nhất trong các chính sách xã hội.
Tiếp nữa, ban hành các nội dung về xác định định mức, đơn giá trong các hoạt động tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính và phối hợp với Bộ Quốc phòng trong chỉnh trang, cải tạo các khu nghĩa trang liệt sĩ, quy tập liệt sĩ.
“Khi quy tập liệt sĩ phải lấy được ADN để xác định danh tính, để trả lại tên cho những người đã nằm xuống, đền đáp sự mong mỏi, chờ đợi của thân nhân liệt sĩ”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề phải xúc tiến sớm phần việc ý nghĩa này.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2024 được dự báo là năm tiếp tục còn khó khăn đối với toàn cầu. Đặc biệt, với Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phải thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Trong bối cảnh đó, cần xác định rõ thách thức, tạo ra được cơ hội.
Kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ trở thành xu thế của thời đại, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhưng cũng có những rào cản kỹ thuật.
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất và nhân tài chính là động lực đột phá với Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng, nếu nắm được xu thế, biến được thành cơ hội, Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách, tăng tốc để “đi cùng và vươn lên” nhóm các nước phát triển.
“Điều này đặt ra trọng trách rất lớn đối với ngành lao động và khối ngành xã hội khác. Trong đó ngành lao động cần đứng vai nhạc trưởng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực”, Phó Thủ tướng nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply