Hành trình về quê ăn Tết của công nhân
Sáng 30/12, Nguyễn Huỳnh Đức bật dậy thật sớm, gói ghém vài ba bộ quần áo, cùng chút quà Tết về quê trong kì nghỉ tết Dương lịch kéo dài đến 4 ngày.
Trời Hà Nội sáng sớm lạnh, mây mù, công nhân 10X này chọn những chiếc áo ấm nhất khoác lên người, chuẩn bị hành trình vượt 300km bằng xe máy về quê Quảng Hòa (Cao Bằng) sum vầy cùng gia đình.
Sở dĩ chọn đi xe máy với quãng đường xa, Đức nhẩm tính vé xe khách về quê một lượt đã 350.000-400.000 đồng. Cả lượt đi, lượt về cũng ngốn hết gần 1 triệu đồng, bằng 1/5 số lương bạn trẻ này đang nhận được từ nhà máy.
Tiếc khoản tiền này, Đức quyết định tự điều khiển xe máy về quê, dù hành trình khá dài, nhọc nhằn. Tuy nhiên, đổi lại sự vất vả ấy là cả tiền xăng xe, tiền ăn chỉ hết khoảng 150.000 đồng. Cả đêm qua, Đức trằn trọc khó ngủ vì nghĩ đến hành trình 1 năm lên thủ đô làm công nhân với biết bao tủi hờn.
Sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp, nguồn thu duy nhất của gia đình nhờ vào trồng mía. Công việc dãi nắng dầm mưa, vất vả nhiều nhưng thu nhập cũng bấp bênh.
“Ở quê, có những ngày chẳng thể kiếm ra đồng nào”, Đức kể. Chính vì vậy, bạn trẻ này quyết tâm rời quê hương, xuống thủ đô làm công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).
Sau khi tìm hiểu thông tin tuyển dụng online, cũng trên chiếc xe máy này, Đức cùng bạn của mình di chuyển xuống Hà Nội phỏng vấn khi trong tay vỏn vẹn có 3 triệu đồng, cùng vài bộ quần áo cũ.
Những ngày tháng đó đối với bạn trẻ đôi mươi quả là gian khó. Đức phải co kéo làm sao tiền ở, tiền ăn không vượt quá số tiền mang theo, vì tháng sau mới được nhận lương.
“Lúc bấy giờ, mọi người về quê nhiều, phòng trọ trống trong thôn Bầu, xã Kim Chung cũng khá nhiều. Nhưng để tiết kiệm em đã chọn phòng không nóng lạnh, không điều hòa, làm sao cả tiền phòng, tiền điện, tiền nước chỉ không quá 1 triệu đồng”, Đức kể.
Đức được nhận vào vị trí kiểm hàng trước khi đóng gói tại một công ty điện tử. Mỗi tháng, công nhân này nhận hơn 5 triệu đồng.
“Ở quê, em chịu vất vả mãi quen rồi nên những khó khăn ở trên này, em đều vượt qua được. Đối với em, công nhân cho thu nhập khá hơn là ở quê làm nông nghiệp”, Đức cho hay.
Không may cho Đức khi bước vào thị trường lao động trong lúc nhà máy gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, số ngày tăng ca chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đức cho biết: “Phải đi làm theo ca mới có thể dư dả tiền bạc, còn làm theo giờ hành chính chỉ đủ ăn”. Với đồng lương ít ỏi, Đức chi tiêu dè sẻn, làm sao còn dư hơn 1 triệu đồng gửi về cho bố mẹ, số tiền còn lại chưa tiêu đến để tiết kiệm riêng cho bản thân mình.
Những lúc rảnh rỗi, bạn trẻ này còn chạy thêm xe ôm công nghệ. Song công việc này nắng mưa, nhiều hiểm nguy, nên duy trì được vài tháng, Đức đã dừng lại.
Dịp Tết này, Đức chỉ nhận gói quà động viên tinh thần từ phía công đoàn công ty. Còn lại thưởng Tết anh đã được trả vào lương từng tháng trước đó, tổng cộng 6 triệu đồng.
Điều mong mỏi lớn nhất của công nhân này sang năm mới là có thể được tăng ca, công ty tạo nhiều công ăn, việc làm cho người lao động. Có tăng ca, Đức mới tăng thêm được 2 triệu đồng/tháng, vơi bớt nỗi lo chi tiêu.
Về quê sợ nhất bị hỏi thưởng Tết bao nhiêu?
Bao nhiêu năm nay, công ty của chị Nguyễn Thị Hiền đang làm việc trong Khu công nghiệp Thăng Long đã không có khoản thưởng tết Dương lịch. Công nhân chỉ trông chờ duy nhất tháng lương 13 vào dịp tết Nguyên đán.
“Một năm sắp khép lại, song đơn hàng của công ty vẫn không nhiều. Công nhân chỉ làm theo giờ hành chính. Khó khăn bủa vây, tôi lo rằng khó có thể nhận trọn vẹn 1 tháng lương thưởng Tết”, chị Hiền nói.
Đến thời điểm này, công ty chị vẫn chưa thông báo thưởng Tết. 16 năm gắn bó với công ty, mức lương chị nhận về 6-7 triệu đồng/tháng.
Chị nhớ thời điểm dịch Covid-19, thu nhập vẫn có thể lên 10 triệu đồng/tháng, nhưng nay, tình hình còn khó khăn hơn nhiều.
Chị Hiền nói rằng công việc hiện tại đúng nghĩa “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền”, với hàng trăm khoản đang treo trên đầu như tiền học, tiền nhà, tiền ăn, tiền điện, tiền nước…. Đồng lương khiêm tốn của công nhân đôi khi chẳng đủ gồng gánh trăm loại tiền phát sinh.
Cũng vì vậy, hai vợ chồng gắn bó với nhà máy trong khu công nghiệp này hơn 10 năm, nhưng tiền tích lũy chẳng đáng là bao.
Năm nay khó khăn, nên chị Hiền sợ nhất bị hỏi thưởng bao nhiêu khi về quê. Dịp này, vợ chồng chị cùng con sẽ về quê Bắc Giang đón Tết. Chị cảm thấy may mắn khi quãng đường không quá xa, có thể di chuyển bằng xe máy.
Một năm không có tiền thưởng tết Dương lịch, đồng lương eo hẹp sắp khép lại. Chị mong mỏi trong năm 2024 được bận rộn hơn, đi làm tăng ca đều hơn năm trước. Cả thanh xuân gắn bó trong nhà máy, dù khó khăn đến mấy, vợ chồng chị cũng cố gắng bám trụ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply