Đến chiều 3/2 (tức 24 tháng Chạp), tại làng hoa Tết ven sông Hà Thanh (thuộc phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), hàng nghìn chậu hoa vẫn chưa được thương lái đến mua.
Các chủ vườn đã vận chuyển hoa, cây cảnh đến chợ hoa xuân trên đường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) để bán nhưng sức mua rất chậm.
Theo người trồng hoa Tết ở đây, thời điểm này năm ngoái, nhiều chủ vườn đã bán quá nửa số hoa. Tuy nhiên, năm nay chỉ bán được vài chục chậu, người trồng hoa thấp thỏm lo lắng như ngồi trên đống lửa.
Đang kiểm đếm lại số lượng hoa gồm cúc đại đóa và pha lê, thương binh Huỳnh Tấn Lễ (69 tuổi, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) cho biết, ngày còn khỏe, gia đình ông trồng trên 1.000 chậu, nhưng 2 năm nay giảm còn 500-600 chậu, vì buôn bán ngày càng khó khăn.
Theo ông Lễ nhẩm tính, chưa tính tiền công chăm sóc, từ lúc gieo hạt đến lúc bán, chi phí tốn khoảng 380.000 đồng/chậu, vậy nên phải bán được giá trên 500.000 đồng/chậu trở lên mới có lãi.
“Đó là mong muốn thôi, còn đem đến chợ hoa Tết thì tùy thuộc vào khách hàng. Tâm lý nhiều người dân chờ đến đêm 30 Tết đi chơi giao thừa xong để mua hoa giá rẻ vì họ nghĩ không bán thì bỏ”, ông Lễ buồn chán, nói.
Tâm trạng lo lắng cũng hiện rõ trên khuôn mặt bà Nguyễn Thị Tùng Văn (61 tuổi, phường Đống Đa). Theo bà Văn, vụ hoa Tết năm nay gia đình bà trồng 700 chậu cúc mâm xôi, đại đóa, pha lê các loại, thế nhưng đến nay chỉ bán được vài chục chậu.
“Thời tiết năm nay rất thuận lợi, không có mưa bão nên hoa phát triển tốt, bông nở đều đẹp và đúng Tết, song năm nay lại vắng bóng thương lái. Chăm sóc được chậu hoa đến lúc bán rất tỉ mỉ và cực khổ lắm, từ sáng đến tối cặm cụi ở ngoài vườn. Cuối năm chỉ mong bán hết hoa kiếm chút lời lo Tết cho gia đình, nhưng ế ẩm kiểu này tôi chẳng dám nghĩ đến Tết”, bà Văn chia sẻ.
Bà Văn chia sẻ thêm, năm ngoái có một số thương lái đập bỏ chậu, chặt phá hoa vì khách trả quá rẻ. Chậu cúc bình thường bán 700.000-800.000 đồng, nhưng đêm giao thừa khách trả xuống tận đáy còn 100.000 đồng rồi bỏ đi. Bởi vậy, mới có chuyện thương lái quá bức xúc “thà đập bỏ còn hơn bán rẻ”. Có người chở hoa để tặng các nhà chùa.
“Tùy vào kích cỡ, chậu nhỏ tôi bán 400.000 đồng/chậu, chậu lớn chủ yếu bán cho các công ty với giá 2 triệu đồng/chậu. Vậy mà đêm 30 Tết, khách trả xuống 100.000 đồng, không đủ tiền công chăm sóc chứ chưa nói đến tiền giống, phân, thuê bến bãi”, bà Văn bộc bạch.
Ngoài ra, bà Văn kiến nghị đơn vị quản lý cho thuê bến bãi ở chợ hoa Tết trên đường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) cần có một giá chung theo quy định; tránh tình trạng đấu giá rồi đẩy lên vài chục triệu đồng 1 lô, tiền lời bán hoa không đủ trả tiền thuê bến bãi.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply