Tại trại nuôi ba ba rộng 700m2 của gia đình, ông Nguyễn Văn Khanh (trú tại khối phố 1, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, Quảng Nam) chia các khu nuôi theo từng giai đoạn như: ba ba sinh sản, ấp trứng, nuôi dưỡng ba ba mới nở…
Ông Khanh kể, năm 2000, ông có dịp vào Cần Thơ, được tham quan trang trại nuôi ba ba trong bể xi măng. Nhận thấy có thể tận dụng nguồn cá biển phong phú tại các cảng cá trong tỉnh, giá bán ba ba ổn định hơn so với các vật nuôi khác, ông quyết tâm đầu tư.
Ông vay mượn tiền mua 100 con giống ba ba da trơn về nuôi trong bể xi măng rộng khoảng 50m2. Thời gian đầu, ông mất ăn, mất ngủ để chăm ba ba. Thế nhưng, sau vài tháng nuôi, đàn ba ba có biểu hiện chậm ăn, dịch bệnh và chết nhiều.
“Nguyên nhân chủ yếu do tôi thiếu kiến thức, thông tin. Mất mát lớn nhưng tôi vẫn quyết tâm làm lại, tìm gặp những người có kinh nghiệm, học hỏi thêm nhiều điều và đặc biệt là cách chữa trị khi ba ba gặp dịch bệnh”, ông Khanh chia sẻ.
Lấy ngắn nuôi dài, ông vừa nuôi gà để duy trì sinh kế cho gia đình, vừa nuôi ba ba để lấy kinh nghiệm. Ngoài nuôi ba ba thương phẩm, ông Khanh còn học cách nhân giống nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư.
Nhờ cần cù, chịu khó, đàn ba ba của ông Khanh dần phát triển mạnh, tăng đàn. Năm 2004, ông xây thêm nhiều bể xi măng để mở rộng mô hình.
Hiện trang trại của ông Khanh có khoảng 15 bể xi măng, bể nhỏ nhất 50m2, bể lớn nhất 80m2. Toàn bộ bể nuôi được thiết kế phù hợp, bờ bao chắc chắn, cao ráo nhằm tránh ba ba bò ra ngoài.
Theo ông Khanh, khâu chuẩn bị ao nuôi hết sức quan trọng, cần xây bờ kè cẩn thận. Với ba ba nhỏ, nên xây bờ cao 25-30cm; ba ba thương phẩm kích thước lớn phải có bờ kè cao 50-60cm.
Phải đảm bảo yên tĩnh, hạn chế việc tháo nước và đánh bắt gây hoảng sợ cho ba ba. Nước bể phải luôn sạch, không bị bẩn. Duy trì nhiệt độ môi trường nước ở mức ổn định 25-30⁰C.
Trong ao phải luôn có lục bình hoặc bèo, nhằm tạo môi trường tự nhiên để ba ba thoải mái nhất. Kiểm soát mật độ nuôi hợp lý để ba ba phát triển khỏe mạnh. Nếu có ba ba bị nhiễm bệnh, cần tách ra nuôi riêng để tránh lây nhiễm và tiện cho việc điều trị.
“Môi trường nước là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại khi nuôi ba ba. Nguồn nước phải sạch và điều tiết hợp lý, thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn, tránh tình trạng dư thừa làm môi trường ao nuôi bị ô nhiễm”, ông Khanh bật mí.
Ba ba ít bị bệnh nếu được chăm sóc kỹ lưỡng, có chế độ ăn đầy đủ chất. Chúng chủ yếu ăn vào mùa hè, mùa đông hầu như không ăn. Vì là loài ăn tạp nên thức ăn của ba ba rất dễ kiếm và rẻ tiền như các loại giun, cá tạp, phụ phẩm.
Hiện nay, trang trại của ông Khanh có khoảng 3.000-3.500 con bố mẹ và 3.000 con thương phẩm. Việc tự chủ được con giống giúp ông Khanh tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn.
Ba ba con nở được 20 ngày có thể xuất bán giống với giá 10.000-20.000 đồng/con, tùy kích cỡ; nuôi trên 18 tháng nặng khoảng 1kg, được bán thịt với giá dao động 150.000-300.000 đồng/kg, tùy loại.
Ông Khanh cho biết, ba ba giống nuôi được 2 năm thì bắt đầu sinh sản, đẻ 15-20 trứng/lần (2 lần/tháng). Sau khoảng 60 ngày ấp, trứng sẽ nở con, nuôi 20 ngày có thể bán con giống.
“Hiện nay, nguồn tiêu thụ bị hạn chế do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên tôi giảm bớt số lượng ba ba. Trong thời đại công nghệ 4.0, tôi đã phát triển thêm kênh tiêu thụ mới thông qua các fanpage, trang mạng xã hội để tiếp cận nhiều khách hàng hơn”, ông Khanh nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply