Sáng sớm, bà con thôn Văn Đô, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) hối hả ra đồng thu hoạch hành tăm để bán cho thương lái. Năm nay người trồng hành phấn khởi vì hành được mùa, được giá.
Giá hành hiện dao động 35.000-42.000 đồng/kg, cao gấp 4 lần so với những năm trước.
Tay thoăn thoắt đào, nhặt từng củ hành trắng muốt, bà Nguyễn Thị Linh cho biết, năm nay gia đình bà trồng 9 sào hành. Thời tiết thuận lợi, hành được mùa, đạt sản lượng khoảng 3 tấn. Với giá bán 36.000 đồng/kg, gia đình bà thu về hơn 100 triệu đồng.
Theo bà Linh, năm nay, giá hành cao kỷ lục, số tiền có được từ bán hành có thể mua được hơn một cây vàng để dành làm vốn.
“Giá hành liên tục thay đổi và cũng “lập đỉnh” như giá vàng. Nhằm tránh giá hành “lao dốc”, thất thu, tôi điều chỉnh lịch thu hoạch, thuê thêm 3 lao động đào hành và thường xuyên cập nhật giá”, bà Linh vui vẻ nói.
Bà Linh cho biết, giá hành cao, nhiều hộ dân trên địa bàn bị mất trộm. Để đảm bảo công sức của mình không bị “đổ sông, đổ bể”, gia đình bà đã lập chòi canh hành.
Bà Nguyễn Thị Nhung, cho biết, trước đây gia đình bà thường trồng một, hai luống hành tăm để ăn, biếu. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, hành tăm bắt đầu được giá, cho thu nhập cao so với các loại cây trồng khác như đỗ, lúa, lạc, ngô,… nên bà đã cải tạo, chuyển đổi 2 sào đất màu kém hiệu quả sang trồng hành.
Bằng kinh nghiệm trồng hành nhiều năm, bà Nhung cho biết, vào cuối tháng 6 âm lịch hằng năm gia đình sẽ xuống giống hành. Trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, bà sẽ bón phân 2 lần, nhổ cỏ 2 lần. Cây hành ưa đất tơi xốp, phù hợp nhất đất thịt hoặc đất cát pha, độ ẩm tương đối.
Chi phí đầu tư không cao, trồng đơn giản nhưng việc thu hoạch hành tốn nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu khó. Hành tăm thường được thu hoạch từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4 âm lịch.
“Khi thu hoạch hành phải dùng lưỡi sắt sắc để đào từng bụi. Hành đào lên xong phải được nhặt từng củ một, thu hoạch về phải sàng sạch đất, loại bỏ củ hành xấu,… Bình quân mỗi ngày, một người có thể đào được 20kg hành. Với giá bán hiện nay, tôi thu về hơn 700.000 đồng/ngày”, bà Nhung nói.
Bà Nhung không rõ hành tăm có nguồn gốc từ đâu tuy nhiên loại cây này có tính nóng, vị cay, mùi hăng nồng. Củ hành có tác dụng tiêu đờm, giảm ho, lợi tiểu, sát khuẩn, giải độc, trị cảm hàn, cảm lạnh, côn trùng cắn và ngộ độc chì. Lá và củ hành tăm cũng được bà sử dụng làm gia vị để món ăn tăng thêm phần hấp dẫn.
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho biết, trên địa bàn xã có 25ha hành tăm. Năm nay, toàn xã Trường Sơn sẽ thu về khoảng 80 tấn hành. Với giá bán dao động 35.000-42.000 đồng/kg, bà con trồng hành sẽ thu về hơn 3 tỷ đồng.
“Hành tăm sau khi thu hoạch đều được thương lái thu mua rồi đưa vào các tỉnh phía Nam hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc. Vụ hành cũng tạo công ăn việc làm thêm cho hàng trăm lao động ở địa phương với mức lương 200.000 đồng/ngày”, ông Việt nói.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nông Cống cho biết, trên địa bàn có khoảng 100ha hành tăm. Năm nay bà con phấn khởi khi hành được mùa lại có giá cao kỷ lục.
“Ngành nông nghiệp huyện khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vì trồng hành lãi, thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác. Tuy nhiên loại cây này phụ thuộc nhiều vào chân đất nên người trông cần lựa chọn loại đất phù hợp để canh tác”, ông Chiến cho biết thêm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply