Vào cuối tháng 4, Cục Nội vụ Quảng Châu ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc công bố danh sách những người nhận vào vị trí nhân viên hỏa táng tại các trung tâm tang lễ trong thành phố.
Đáng chú ý, trong số các ứng cử viên, có những người đã tốt nghiệp thạc sĩ triết học tại Đại học Trung Hoa Hồng Kông. Ngoài ra, có nhiều người cũng đã tốt nghiệp ngành kiến trúc, hóa học từ các trường đại học hàng đầu ở Quảng Châu.
Được biết, ứng viên cho vị trí nhân viên hỏa táng yêu cầu trình độ học vấn đại học, thường trú tại Quảng Châu và có bằng lái xe. Công việc đòi hỏi họ phải chạm, di chuyển thi thể người khuất núi và phải làm ca đêm.
Đại diện nhà tang lễ cho hay: “Chúng tôi chỉ tuyển một vài người nhưng đợt tuyển dụng này đã có rất nhiều hồ sơ được gửi tới. Trên mạng thường đồn thổi rằng công việc này mang lại mức lương 10.000 NDT/tháng (hơn 35,2 triệu đồng). Tuy nhiên, thực tế có rất ít người đạt được thu nhập đó”.
Sự việc các cử nhân, thạc sỹ gác bằng, đổ xô đi xin làm ở nhà tang lễ đã khiến dư luận nước này xôn xao. Nhiều người lo lắng rằng tình hình việc làm đang trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 đã tăng lên 15,3% trong quý đầu năm nay, trong khi nhóm lao động chủ lực 25 đến 29 tuổi tăng lên 7,2%. Trong khi đó, thị trường việc làm dự kiến có thêm khoảng 12 triệu sinh viên tốt nghiệp vào mùa hè này. Nhóm sinh viên này sắp phải đối mặt với tình trạng thiếu việc làm, cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra.
Tính đến tháng 2/2024, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc (từ 16 đến 24 tuổi) đang ở mức 15,3%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với tháng 1. Nếu vấn đề việc làm không thể được giải quyết, quy mô thanh niên thất nghiệp của Trung Quốc có thể lên tới 50 triệu người trong 5 năm tới. Điều đó có nghĩa là cứ 4 hoặc 5 gia đình thì sẽ có 1 người thất nghiệp.
Ngay cả khi sinh viên tốt nghiệp thành công kiếm được việc làm ở một công ty tư nhân, họ vẫn có thể phải đối mặt với “văn hóa 996” (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần). Những người lao động này chịu cảnh làm việc trong lo sợ về nguy cơ bị cắt lương hoặc mất việc.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply