Ngày 25.5, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội phối hợp với UBND H.Gia Lâm tổ chức Phiên giao dịch việc làm lưu động H.Gia Lâm năm 2024.
Theo ông Nguyễn Tây Nam, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, Gia Lâm là huyện cửa ngõ phía đông của thủ đô, có nhiều tuyến giao thông quan trọng, tốc độ đô thị hóa cao và đang trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ.
Đây cũng là địa phương có hệ thống làng nghề phát triển như gốm sứ, may mặc, chế biến lương thực, thực phẩm, buôn bán, cây giống ăn quả ngắn ngày và lâu năm, cơ kim khí và các khu, cụm công nghiệp…; là điều kiện thuận lợi để tiếp tục thúc đẩy thị trường lao động phát triển.
“Phiên giao dịch không chỉ tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động mà còn là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động, được cung cấp về thông tin thị trường lao động để trang bị thêm cho mình những kỹ năng và kiến thức cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm khi ra trường, tăng thêm kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường lao động”, ông Nguyễn Tây Nam cho hay.
Với 30 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, phiên giao dịch việc làm đã cung cấp 1.644 chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển dụng, xuất khẩu lao động. Trong số này có 17 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ, chiếm 56,7%.
Ngoài ra, còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như: du học – xuất khẩu lao động, sản xuất, may… với mức lương dao động từ 5 triệu đồng đến trên 15 triệu đồng.
Đáng chú ý, cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm này tập trung vào nhóm 18 – 25 tuổi với 782 chỉ tiêu, chiếm 47,6% và nhóm tuổi 26 – 35 tuổi với 521 chỉ tiêu, chiếm 31,7%. Còn lại là nhu cầu tuyển lao động ở nhóm tuổi từ 35 tuổi trở lên với 341 chỉ tiêu.
Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng – đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất với 691 chỉ tiêu, đạt 42%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật có 580 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 35,3%. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông có 373 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 22,7%.
Anh Trần Minh Đức, lao động ở xã Cổ Bi (H.Gia Lâm), bày tỏ: “Lần đầu tiên tôi đi tìm việc qua phiên giao dịch việc làm lưu động. Trước đây, tôi cứ nghĩ ở những phiên tuyển dụng này thường chỉ dành cho những lao động có bằng cấp. Không nghĩ đến đây có nhiều việc làm thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, với nhiều trình độ học vấn, tay nghề khác nhau. Ai cũng có thể tìm được việc làm phù hợp”.
Không chỉ người lao động mong chờ có việc làm, các doanh nghiệp cũng mong muốn tuyển dụng được nhiều ứng viên. Chị Hoàng Thị Chín, cán bộ tuyển dụng nhân sự của Công ty TNHH sản phẩm Ricoh Imaging Việt Nam, cho biết: “Năm nay, việc tuyển dụng lao động phổ thông khá khó khăn. Tham gia phiên giao dịch việc làm lưu động, chúng tôi hy vọng tuyển được nhân sự đáp ứng nhu cầu của công ty. Hiện tại, chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng 200 công nhân, không yêu cầu kinh nghiệm. Để thu hút lao động, công ty đưa ra một số giải pháp như: thưởng nhân viên mới vào, thưởng hiệu suất cho nhân viên mới…”.
Sẽ tổ chức thêm nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động
Theo kế hoạch, trong năm 2024, Sở LĐ-TB-XH, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường phối hợp, tổ chức tối thiểu 18 phiên giao dịch việc làm lưu động tại địa phương, rải đều theo các tháng. Từ đầu năm đến nay, đã có 11 phiên được tổ chức, đem đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại các địa phương.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, các phiên giao dịch việc làm lưu động mang ý nghĩa thiết thực, không chỉ cung cấp thông tin thị trường lao động, mà còn hỗ trợ người lao động gặp gỡ các doanh nghiệp, mang tới nhiều cơ hội việc làm.
Thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp với phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện, thị xã trao đổi thông tin để phát huy hiệu quả các phiên giao dịch việc làm lưu động, qua đó đánh giá chính xác về thực trạng lao động, việc làm, làm cơ sở hoạch định chính sách lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply