Đây là nội dung đáng chú ý được Bộ Nội vụ đề xuất tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 138/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Theo Bộ Nội vụ, quy trình tuyển dụng công chức đang áp dụng tại Nghị định 138 gồm 18 bước, thời gian tối thiểu là 200 ngày kể từ ngày đăng thông báo tuyển dụng cho đến ngày có quyết định tuyển dụng và thời gian tối đa không xác định.
Để đổi mới quy trình tuyển dụng nhằm nâng cao chất lượng tuyển dụng, tại dự thảo sửa đổi, Bộ Nội vụ đề xuất quy trình rút gọn quy trình tuyển dụng công chức còn 13 bước, thời gian xuống còn 125 – 145 ngày.
Như vậy, quy theo dự thảo mới, quy trình sẽ được rút ngắn 5 bước, thời gian giảm hơn 2 tháng so với quy định hiện hành.
Cạnh đó, bảo đảm tuyển được những thí sinh đạt kết quả cao hơn khi dự thi vào cùng một vị trí việc làm ở nhiều cơ quan sử dụng khác nhau, thí sinh trúng tuyển sẽ có cơ hội lựa chọn nhiều hơn 2 nguyện vọng.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày danh sách trúng tuyển được công khai trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức, người trúng tuyển phải hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng nộp cho cơ quan tuyển dụng.
Hồ sơ tuyển dụng bao gồm bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển; bản sao chứng nhận đối tượng ưu tiên, văn bằng, chứng chỉ để được miễn thi ngoại ngữ (nếu có). Kết quả thi kiểm định chất lượng đầu vào (nếu có).
Theo quy định hiện hành, người trúng tuyển phải nộp phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ thủ tục này và thời gian hoàn thiện hồ sơ cũng rút ngắn lại 10 ngày so với trước.
Về quy định về tiếp nhận vào làm công chức, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định sát hạch khi tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã làm công chức cấp huyện trở lên. Quy định sát hạch bằng hình thức phỏng vấn (thay cho quy định lựa chọn hình thức viết, kết hợp viết và phỏng vấn).
Bỏ quy định thi môn tin học
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi quy định về hình thức, nội dung, thời gian thi theo hướng quy định tổ chức thi trắc nghiệm vòng 1 trên máy tính (bỏ hình thức thi trên giấy); bỏ quy định thi môn tin học; mở rộng các trường hợp miễn thi ngoại ngữ.
Môn nghiệp vụ chuyên ngành (vòng 2) có thể lựa chọn một trong 2 hình thức thi viết hoặc viết kết hợp với phỏng vấn, đồng thời bổ sung thang điểm, tỷ lệ điểm của từng bài thi. Quy định bài thi viết lựa chọn một trong 2 hình thức trắc nghiệm hoặc tự luận để cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định lựa chọn phù hợp với số lượng thí sinh dự thi và phù hợp với đặc thù của từng kỳ thi.
Theo Bộ Nội vụ, việc thống nhất bỏ thi tin học bắt buộc trong tuyển dụng công chức là phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, cắt giảm thủ tục hành chính theo đúng chủ trương của Chính phủ. Do đó, đối với hình thức thi tuyển, xét tuyển, tiếp nhận vào công chức đều không yêu cầu hình thức đánh giá về trình độ tin học. Đối với những vị trí việc làm yêu cầu trình độ chuyên môn cao về tin học thì sẽ tổ chức trong phần thi chuyên ngành.
Tương tự, trường hợp vị trí việc làm yêu cầu trình độ ngoại ngữ đặc thù cao hơn quy định chung thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định tổ chức thi ngoại ngữ chuyên ngành. Trường hợp có văn bằng tương đương hoặc cao hơn so với trình độ theo yêu cầu của vị trí việc làm thì sẽ được miễn thi ngoại ngữ. Nội dung này được ghi rõ trong thông báo tuyển dụng và thuộc thẩm quyền của cơ quan tuyển dụng.
Đáng chú ý, dự thảo nghị định còn quy định rõ, không bố trí những người có quan hệ vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột của người dự tuyển; những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật; những người đã bị xử lý về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ làm thành viên hội đồng kiểm tra, sát hạch.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply