Trên trang Tiktok với hơn 235.000 người theo dõi, anh Võ Đức Dự (29 tuổi, ngụ tại TPHCM) khiến nhiều người thán phục với bức tranh rồng châu Á phát sáng, dài 14m, cao 2,1m và nặng đến 30kg.
Đây là bức tranh dài nhất mà anh và cả nhóm từng dày công thực hiện, mất đến 15 ngày để hoàn thành. Một khách hàng người Việt sống tại Mỹ đã đặt mua bức tranh này với giá hơn 100 triệu đồng, dùng trưng bày cho ngày khai trương nhà hàng tên Long. Riêng chi phí vận chuyển, số tiền đã “đội” thêm 12-15 triệu đồng.
“Nhóm đã gặp thất bại trong lần đầu thử nghiệm vì không tìm được chỗ để căng vải. Ban đầu, chúng tôi trải vải dưới đất nên đã không định hình được bố cục. Bức tường lại không dài đủ 14m nên chúng tôi quyết định căng một nửa để vẽ trước, rồi sau đó căng một nửa còn lại để hoàn thành”, anh Dự nói.
Theo anh Dự, tranh của anh thường được vẽ bằng màu Metallic, kết hợp với màu Decola và màu phát sáng, những loại màu ít được dùng trong tranh truyền thống, thể hiện được sự sáng tạo của người thợ. Vải của tranh cũng được anh nhập từ Nga về Việt Nam.
Điểm đặc biệt của tranh không chỉ là kích thước khổng lồ và hiệu ứng phát sáng, mà còn là nhiều chi tiết được dát bằng vàng thật với tổng giá trị hơn 10 triệu đồng.
Ngoài bức tranh đặc biệt này, anh Dự chia sẻ trong 11 năm theo đuổi môn nghệ thuật sáng tạo này, anh và nhóm đã thực hiện hàng trăm bức tranh 3D. Trong đó, bức tranh có kích thước lớn nhất anh từng làm là tranh cây hoa hồng 35m2, với giá trị hơn 160 triệu đồng.
“Những bức tranh đắt tiền ngoài có kích thước lớn, còn được thiết kế riêng theo sở thích của khách hàng. Khách hàng chủ yếu biết đến tay nghề của chúng tôi rồi giới thiệu cho những khách hàng khác”, anh Dự chia sẻ.
Trung bình, mỗi tháng xưởng của anh sẽ thực hiện 7-10 bức tranh. Giá của tranh cũng tùy thuộc vào chất liệu vải và kích thước, dao động 2,5-5 triệu đồng/m2.
Để hoàn thành một sản phẩm, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi tính tỉ mỉ, thật kiên nhẫn. Trước hết, anh Dự sẽ lên ý tưởng trước, xây dựng bố cục, phác thảo và dựng hình trên vải trước, rồi mới lên màu cho tranh.
Công đoạn lên màu là phần quan trọng và mất nhiều thời gian nhất. Bởi nếu sai một nét hoặc pha màu không chuẩn, người thợ sẽ phải bỏ cả bức tranh và làm lại từ đầu. Sau cùng, anh Dự sẽ phủ một lớp keo để bảo vệ cho tranh không bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển và sử dụng.
“Mỗi chi tiết từ nét vẽ đến màu sắc đều phải có ý nghĩa. Bởi điều đó quyết định bức tranh có mang lại giá trị cho khách hàng hay không”, anh Dự nói.
Trước đây, anh Dự biết đến và sớm “phải lòng” môn nghệ thuật vẽ tranh 3D từ một người bạn thân thiết. Thời gian đầu, chàng trai gặp không ít khó khăn bởi bản thân không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào.
Dự phải tự tìm tòi, học hỏi, rèn luyện qua tư liệu trên mạng, sách, báo trong và ngoài nước. Những lần thất bại đếm không xuể càng khiến cho chàng trai thêm nhiều động lực chinh phục môn nghệ thuật độc lạ này hơn.
“Nếu đã có đam mê và tính ham học hỏi, kiên trì, bản thân làm gì cũng có thể thành công. Tôi chưa bao giờ hối hận ngày ấy mình đã cố gắng theo đuổi đam mê. Giờ đây, tôi cũng gặt được nhiều quả ngọt, đền đáp cho công sức trước đó”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply