Nhu cầu nhân lực những tháng cuối năm 2024 vẫn tập trung tuyển dụng lao động ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu.
Cụ thể, nhu cầu nhân lực trong các ngành công nghiệp trọng điểm dao động từ 12.023 – 12.824 vị trí, tương đương 15,39% tổng nhu cầu lao động. Trong đó, ngành chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống chiếm tỷ lệ 3,73%, ngành hóa dược – cao su và plastic chiếm 1,87%, ngành sản xuất hàng điện tử đạt 3,12% và cơ khí chiếm tỷ lệ cao nhất với 6,67%.
Trong khi đó, nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có nhu cầu lao động lớn hơn hẳn, với khoảng từ 47.583 – 50.755 vị trí, chiếm tới 60,91% tổng nhu cầu.
Đáng chú ý, ngành bán buôn, bán lẻ và sửa chữa phương tiện giao thông chiếm tới 25,24%, dẫn đầu trong nhóm ngành này. Tiếp theo là các lĩnh vực như vận tải và kho bãi (2,04%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (3,74%), thông tin và truyền thông (4,17%), tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (4,91%). Các hoạt động kinh doanh bất động sản cũng đóng góp 10,56% trong tổng nhu cầu nhân lực, trong khi các hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 6,82%, giáo dục và đào tạo chiếm 2,19% và ngành y tế cùng trợ giúp xã hội chiếm 1,24%.
Nhu cầu nhân lực có tay nghề qua đào tạo chiếm ưu thế với khoảng từ 68.324 – 72.879 vị trí, chiếm 87,46% tổng nhu cầu. Trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 20,66%, trình độ cao đẳng là 22,56%, trung cấp chiếm 24,77%, và sơ cấp là 19,47%. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông thấp hơn nhiều, chỉ khoảng từ 9.796 – 10.449 vị trí, chiếm 12,54% tổng nhu cầu nhân lực.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong tương lai, các cơ sở giáo dục cần tiếp tục cải tiến chất lượng đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời khai thác tối đa lợi thế của giai đoạn dân số vàng. Những bước tiến cần thiết bao gồm hiện đại hóa cơ sở vật chất, đẩy mạnh chuyển đổi số và đa dạng hóa phương thức giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Đối với các doanh nghiệp, cần có chiến lược đào tạo cụ thể cho từng nhóm lao động, từ quản lý, lao động gián tiếp đến lao động trực tiếp, để đảm bảo sự phát triển bền vững và phù hợp với yêu cầu của thị trường. Sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục sẽ giúp nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp, giúp họ dễ dàng tham gia vào thị trường lao động.
Người lao động cần chủ động trang bị các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm liên quan đến vị trí việc làm, đồng thời phát triển đạo đức nghề nghiệp và thái độ làm việc chuyên nghiệp. Để đáp ứng các thách thức của thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động cũng cần trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin và cập nhật các công nghệ mới.
Khi tìm việc, người lao động cần lựa chọn những đơn vị uy tín để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Phía Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM cũng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung – cầu lao động và tổ chức các sàn giao dịch việc làm. Công tác kết nối việc làm cần tập trung vào những ngành nghề dự báo sẽ có nhu cầu nhân lực cao trong quý 4/2024 như bán buôn, bán lẻ, kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, thông tin và truyền thông, dịch vụ lưu trú và ăn uống…
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply