Anh Vũ Văn Quế (SN 1993, trú tại khối 1, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) đậu vào 2 trường đại học. Quế chọn học trường Đại học Y khoa Vinh. Thế nhưng, học hết năm thứ 2, Quế nhận thấy, con đường học y không phù hợp với mình nên bỏ ngang đại học.
Năm 2014, sau khi rời giảng đường, anh Quế lăn lộn khắp nơi với nhiều nghề, như: làm xây dựng ở Hà Nội, làm YouTuber…
Năm 2018, anh Quế cùng bạn bè về quê, góp vốn mở xưởng may với mong ước làm giàu tại quê hương. Tuy nhiên, khi bắt đầu có chút lãi thì đại dịch Covid-19 ập đến khiến đơn hàng ngưng trệ, hàng hóa làm ra không có nơi tiêu thụ, không có tiền chi trả cho công nhân dẫn đến xưởng may phải đóng cửa.
“Thời gian đại dịch Covid-19, chúng tôi rất khó khăn. Tôi nghĩ còn trẻ, mình không thể bỏ cuộc ngay khi thất bại lần đầu. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ tôi quyết định nuôi hươu”, anh Quế nhớ lại.
Trước đây, khi sống cùng bố mẹ, anh Quế đã có kinh nghiệm chăm sóc hươu sao. Bố anh Quế là bác sĩ thú y, trước đây từng nuôi hươu.
Được gia đình ủng hộ và hỗ trợ, năm 2020 anh Quế thuê gần 2ha đất nông nghiệp trong xóm. Vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Quế đầu tư xây dựng chuồng trại và mua thêm con giống, mở rộng sản xuất.
Hiện trang trại của Quế và gia đình luôn có 60-70 con hươu sao lấy nhung và giống. Thời gian gần đây, anh Quế còn đầu tư nuôi thêm nai lấy nhung, bò và hàng trăm con gà lấy thịt. Mỗi năm trừ chi phí, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung và cung cấp con giống của anh Quế lãi hàng trăm triệu đồng.
Anh Quế cho biết, nuôi hươu sao không quá khó, đây là vật nuôi có sức đề kháng tốt, ít bệnh, dễ thích nghi với điều kiện khí hậu nên chỉ cần một số kinh nghiệm chăm sóc, nhận biết các bệnh để kịp thời chữa trị.
Hơn nữa, hươu sao chủ yếu ăn cỏ, chuối, ngô, rau… có thể tận dụng được từ các phụ phẩm nông nghiệp, giảm chi phí. Trung bình mỗi năm, chi phí cho 1 con hươu chỉ hết hơn 300.000 đồng tiền thức ăn, thuốc men.
Mỗi năm, hươu cho thu hoạch nhung 1 vụ, tương đương 2-2,5 kg. Hiện tại giá nhung hươu khoảng 14 triệu/kg. Hươu giống 3-4 tháng, có thể xuất bán với giá 10-15 triệu đồng/con.
“Hiện tại tôi có 30 con hươu đẻ lấy giống, mỗi năm hươu sinh sản (có con sinh đôi, sinh 3) khoảng 30-40 con giống. Hươu lấy nhung gần 40 con, trừ các con nhỏ cũng khoảng hơn 30 cặp nhung…”, anh Quế, nói.
Sau khi anh Quế nuôi hươu thành công, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhiều thanh niên, gia đình trong xóm, trong phường cũng học theo mô hình nuôi hươu của anh.
“Hiện tại, tôi không muốn bán con giống tiếp, để nhân đàn lên. Nhiều người đến hỏi mua con giống, cũng nể nhưng tôi vẫn phải từ chối để thực hiện kế hoạch của mình”, anh Quế chia sẻ thêm.
Anh Quế đã lập gia đình và có một con gái. Hàng ngày, vợ chồng anh Quế ra đồng, lên núi hái thức ăn cho hươu.
Ông Nguyễn Đình Hanh, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân, nói: “Gia đình anh Quế là gia đình nuôi hươu quy mô lớn đầu tiên trong phường. Nhiều năm nay kinh tế rất phát triển. Từ mô hình đó, giờ cả phường Quỳnh Xuân có 500-600 hộ nuôi hươu. Mô hình kinh tế này rất tốt”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply