Bà Nguyễn Thị Thinh (ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre) nổi tiếng trong tỉnh là một nông dân nghị lực, sáng tạo và truyền cảm hứng. Từ một nông dân có cuộc sống bấp bênh, bà đã vươn lên làm giàu và kéo theo nhiều người giàu như mình.
Bà Thinh đã nhiều lần được mời đi dự các sự kiện dành cho phụ nữ thành đạt. Đặc biệt nhất, trong năm 2022, bà đã xuất hiện trên sóng truyền hình trong một chương trình truyền cảm hứng.
Gia đình bà Thinh trồng sầu riêng hơn 30 năm qua, trên mảnh vườn chỉ 3.200m2. Thế nhưng người phụ nữ cho biết, những năm gần đây, năm nào bà cũng đút túi trên 300 triệu đồng lợi nhuận.
Trước đây bà chỉ trồng sầu riêng chờ thời, trời cho thì trúng, không cho thì thất. Vì canh tác theo tư duy xưa cũ nên cuộc sống rất bấp bênh, cũng không tránh khỏi những năm trời cho được mùa nhưng bị thương lái ép giá.
Rồi năm 2016, đợt hạn mặn lịch sử khiến rất nhiều vườn sầu riêng trong vùng thiệt hại nặng. Trước thách thức buộc phải thay đổi, bà Thinh quyết tâm học kỹ thuật trồng trọt để giữ vườn.
Từ ý tưởng của mình, bà vận động chị em trong ấp thành lập nhóm phụ nữ “Thích trồng cây”, rồi sau đó lập nên Tổ hợp tác trồng sầu riêng. Tổ hợp tác thông qua chính quyền xã đã mời kỹ sư nông nghiệp về tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bà Thinh nhớ lại, vì chỉ học đến lớp 8 rồi đi lấy chồng, bao nhiêu năm không đụng đến sách vở nên khi bắt đầu học kỹ thuật trồng sầu riêng bà gặp không ít khó khăn. Bỗng nhiên ở cái tuổi người ta ôm cháu, bà Thinh lại mày mò đêm ngày ôm sách.
Nhưng rồi sau những tháng ngày cố gắng, bà Thinh đã nắm vững được các kỹ thuật để chăm cây khỏe nhất, ra trái đều, đẹp nhất. Năm 2018, bà Thinh đưa trái sầu riêng của mình đi đăng ký thương hiệu. Kể từ đó, “Sầu riêng cô Thinh” được tỉnh Bến Tre công nhận là sản phẩm đặc trưng của địa phương.
“Học hành đúng là vất vả, nhưng xứng đáng lắm. Sầu riêng tôi làm ra chất lượng cao hơn hẳn, ai cũng nhận thấy. Rồi người ta lại nhờ tôi truyền đạt lại kiến thức, kinh nghiệm, tổ hợp tác ngày càng đông.
Ban đầu tổ hợp tác chỉ có 11 thành viên, nhưng nay đã đông gấp 5 lần, thành viên có cả nam lẫn nữ. Tổ còn mở dịch vụ tư vấn chăm sóc sầu riêng cho các nhà vườn trong vùng, có khách quanh năm”, bà Thinh nói.
Có sầu riêng chất lượng, bà Thinh lại nghĩ đến việc tìm đầu ra. Bà không ngại mang trái sầu riêng đi chào hàng nhiều doanh nghiệp ở TPHCM hay bất kỳ dịp nào có cơ hội.
“Đến nay sản phẩm của tôi đã được đặt trên kệ của rất nhiều siêu thị lớn nhỏ. Đợt phong tỏa vì dịch Covid-19, hàng của tôi vẫn bán đều, giá tốt mà không hề gián đoạn. Bạn hàng qua tôi kết nối còn giúp tiêu thụ hàng trăm tấn trái cây của các nhà vườn trong vùng”, bà Thinh nói.
Hiện tổ hợp tác của bà Thinh đang trồng trên 40ha sầu riêng, mỗi năm thu hoạch khoảng 1.200 tấn trái. Nhờ phương pháp trồng khoa học, đầu ra ổn định nên tổ viên đều khấm khá.
Không dừng lại, bà Thinh còn mở dịch vụ du lịch để khách đến trải nghiệm hái sầu riêng tại vườn. Khách du lịch được bà tận dụng thành một kênh bán hàng hiệu quả.
“Trái sầu riêng của tôi luôn bán được cao hơn 20% giá thị trường. Mình có chất lượng, có thương hiệu, được chứng nhận thì khách luôn tin tưởng, khách cũng không ngại giá cao.
Cứ 10 khách đến vườn tôi tham quan thì trên 5 khách sẽ thường xuyên liên hệ đặt hàng. Họ không chỉ mua cho bản thân mà còn đặt cho bà con, họ hàng nên số lượng không hề nhỏ.
Vườn sầu riêng của tổ hợp tác cũng đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”, bà Thinh cho biết.
Bà Chiên, một cựu giáo chức và đang là thành viên của tổ hợp tác trồng sầu riêng chia sẻ: “Khi mới bắt đầu học kỹ thuật mới, hầu hết chị em đều e ngại. Những lý do mọi người đưa ra như đã già, ít học nên không hiểu, nghèo nên phải đi làm không có thời gian. Nhưng rồi nhờ bà Thinh truyền cảm hứng và làm gương, mọi người đều thấy có lợi ích nên dần trở nên tích cực”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply