Trên các diễn đàn lao động việc làm trực tuyến, vấn đề này thu về nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau. Một số người cho rằng, stress khi đi làm là chuyện hiển nhiên, bởi ‘nếu không chịu đựng được áp lực, làm sao có kim cương’.
Mặt khác, nhiều ý kiến lại ủng hộ chuyện nghỉ việc khi thấy stress vì ưu tiên sức khỏe tinh thần. Đối với họ đi làm là phải vui còn không thì sẽ nghỉ ngay, lựa chọn việc khác, công ty khác phù hợp hơn.
Theo khảo sát của Anphabe ghi nhận, có tới 42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên. Cũng theo khảo sát, trong nhóm nhân viên có dự định nghỉ việc trong vòng 6 tháng tới, tỷ lệ stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên cao hơn 250% so với nhóm thỉnh thoảng mới bị stress.
Stress,nên nghỉ hay nên cố gắng vượt qua?
“Bản thân tôi là người từng nghỉ việc vì quá stress trong công việc nhưng điều đó không có nghĩa là tôi cổ vũ cho việc cứ gặp stress là nghỉ. Bởi vì cuộc sống còn nhiều thứ phải lo, phải chịu trách nhiệm, nếu cứ mệt mỏi là nghỉ thì dễ dàng quá rồi”, chị Lương Thùy Trang (26 tuổi, TP.Hà Nội) chia sẻ.
Chị Trang là người từng nghỉ việc về quê “sống ẩn” 3 tháng vì stress công việc. Trước đó, chị đã từng thử qua nhiều giải pháp để giảm áp lực, mệt mỏi khi đi làm nhưng đều không có hiệu quả.
Theo chị Trang, có nhiều nguyên nhân dẫn tới stress, chẳng hạn như khối lượng công việc quá lớn, không hòa đồng được với đồng nghiệp, gặp phải sếp khó tính, công việc không như mong đợi… Nhưng theo chị quan sát, cũng có rất nhiều người rơi vào tình trạng “stress ảo”, dùng stress như một tấm bia đỡ đạn, che đậy cho sự lười nhác, không chịu tìm kiếm giải pháp cho vấn đề.
Chị Trang kể, lúc nghỉ việc, nhiều người trong công ty đã đánh giá chị là người chịu áp lực kém, không có sự kiên trì. “Dù bị nói ra nói vào và ngay cả gia đình cũng không ủng hộ chuyện tôi nghỉ việc nhưng tôi vẫn rất kiên định với lựa chọn của mình. Thứ mọi người nhìn thấy chỉ là vỏ bọc bên ngoài của một con bé mới ra trường ít năm, có công việc ổn định, lương cao, ngồi máy lạnh, sáng đi tối về… Nhưng chỉ có bản thân tôi mới hiểu mình đang trải qua điều gì”, chị Trang nói.
Chị Trang cũng nói thêm, khi gặp stress trong công việc, việc đầu tiên mà chị làm là nhận định nguồn gốc xuất phát của nó. Không phải sếp mắng một câu, gặp một dự án khó hay tăng ca một vài hôm dẫn đến stress là chọn nghỉ việc. Bản thân chị cũng không ủng hộ chuyện nghỉ việc “vô tội vạ”, cũng không nên đem chuyện đó ra để đùa giỡn.
“Tôi luôn tôn trọng, trân trọng công việc mình đang có. Thời buổi này tìm việc không phải dễ, được làm việc mình yêu thích lại càng thấy biết ơn hơn nữa. Stress thì bất kỳ ai, làm bất kỳ công việc gì cũng gặp phải thôi. Bây giờ lướt mạng xã hội giải trí còn stress huống gì là đi làm”, chị Trang khẳng định.
Học cách vượt qua stress
Anh Đỗ Anh Đông (40 tuổi, Quảng Trị) bộc bạch, đi làm nhiều năm, dần dần anh xem stress như một phần tất yếu trong cuộc sống. “Hồi xưa lúc mới đi làm, gặp stress là làm lớn chuyện lên, thậm chí nghỉ việc mà không có kế hoạch dự phòng nào. Nhưng làm lâu rồi, tôi cũng dần hiểu được nó, học cách vượt qua. Bởi sau tuổi 30, 40, còn nhiều thứ stress lắm chứ không chỉ riêng công việc”, anh Đông nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm vượt qua stress của mình, anh Đông cho hay, cách tốt nhất là phải tự mình đặt câu “Mình làm việc vì điều gì”. Làm vì tiền, vì nuôi sống bản thân, chăm lo cho gia đình, xa hơn là đóng góp giá trị cho xã hội… Hay mình làm vì mình yêu công việc đó, vì cái nghề mình dốc hết tâm sức để theo đuổi…
“Tôi luôn tự nhủ với bản thân để đi được đến hôm nay là một hành trình chẳng hề dễ dàng. Ngoài những áp lực, mệt mỏi, công việc này cũng cho tôi nhiều giá trị khác, cho tôi những mối quan hệ chất lượng và cho tôi được sống đúng với đam mê của mình. Khi đặt 2 thứ đó lên bàn cân, đương nhiên những giá trị tốt đẹp tôi nhận được sẽ lớn hơn stress, vậy tại sao tôi lại không cố gắng thêm chút nữa”, anh Đông nói.
Chị Cẫm Thu (24 tuổi, TP.HCM) cũng chia sẻ, tuy làm công việc tự do, tự mình làm chủ nhưng chị cũng gặp không ít áp lực. Thậm chí còn áp lực hơn gấp nhiều lần vì không có đồng nghiệp chia sẻ, không có sếp giúp đỡ, định hướng.
Chị Thu nói: “Áp lực luôn tồn tại trong cuộc sống, nếu không học cách chấp nhận thì khó lòng vượt qua. Tôi đã từng thử qua nhiều cách giảm stress như đến bác sĩ tâm lý, thậm chí sử dụng các dịch vụ tâm linh (xem bói, xem tarot), đi chữa lành… Nhưng đó chỉ là những cách chữa bệnh tạm thời, mấu chốt vẫn là phải ngồi lại và lắng nghe chính mình nhiều hơn. Khi tôi nhìn nhận được và dám đối diện với vấn đề, tôi sẽ có nhiều phương án để giải quyết nó hơn là chọn cách nghỉ việc”.
Chị Thu nhấn mạnh thêm, khi gặp stress công việc, không nên giấu diếm và tự mình chịu đựng. Chúng ta có thể chia sẻ nó với gia đình, bạn bè, thậm chí là với sếp để họ hỗ trợ hoặc ít nhất là lắng nghe. Thời buổi hiện đại, chỉ cần tìm kiếm trên mạng là có hàng nghìn cách để vượt qua stress nhưng quan trọng vẫn là ở bản thân mình, ở lựa chọn của mình.
Anh Đức Trung (30 tuổi, TP.HCM) là một tài xế công nghệ cho hay, nghề nghiệp nào cũng có những vất vả và áp lực riêng. Như nghề anh đang làm tuy không phải nặng nề, stress về đầu óc thì lại mệt mỏi về mặt thể lực.
“Công việc của tôi thì chạy ngoài đường cả ngày, được tự do về mặt giờ giấc, hôm nào thấy mệt thì tắt app nghỉ ngơi. Tôi thấy mình may mắn vì mỗi sáng không lo trễ giờ chấm công, cũng không phải đợi tới giờ tan tầm mới được ra về. Nhưng bù lại, tôi lại phải chạy ngoài đường cả ngày, nắng mưa bất chợt. Hôm nào ít khách lại stress vì không có tiền… Mỗi nghề mỗi vất vả nên phải học cách chấp nhận, vượt quá chứ đâu thể nói bỏ là bỏ được”, anh Trung tâm sự.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm