Ngày 17.9, theo thông tin từ Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, thống kê từ đầu năm đến ngày 31.8 cho thấy, đơn vị đã tiếp nhận thông tin từ 5.671 doanh nghiệp về nhu cầu tuyển lao động Việt Nam (lao động chất lượng cao) cho các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động nước ngoài, với tổng số 14.969 vị trí. Tuy nhiên, đến nay chưa có người Việt Nam nào trúng tuyển.
Riêng số công việc còn trong hạn tuyển dụng, tính đến ngày 31.8 (thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng tuyển trên website của đơn vị), Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM thống kê có hơn 800 vị trí, chức danh tuyển dụng công việc là quản lý, chuyên gia, lao động chuyên môn kỹ thuật. Mức lương trung bình của các vị trí này là 50 triệu đồng/tháng.
Qua theo dõi, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM ghi nhận có 1.034 lượt lao động Việt Nam tương tác ứng tuyển, nhưng chưa có ai trúng tuyển vào các vị trí này.
Lý do, theo đơn vị, là vì một phần người lao động Việt Nam chất lượng cao chưa biết nhiều về thông tin này. Ngoài ra, yêu cầu của nhà tuyển dụng cao, khắt khe, cộng gộp nhiều yếu tố và người lao động Việt Nam chưa thể đáp ứng, tiếp cận được các vị trí việc làm đang tuyển.
Theo Nghị định 70 năm 2023 của Chính phủ, từ ngày 1.1.2024, doanh nghiệp phải đăng tuyển lao động Việt Nam cho các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động nước ngoài trên cổng thông tin của Cục Việc làm hoặc trung tâm dịch vụ việc làm địa phương. Quy định này áp dụng cho tất cả các trường hợp cấp mới hoặc gia hạn giấy phép lao động.
Tuy nhiên, từ lúc quy định mới được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh, cho rằng việc đăng tuyển mang tính hình thức, gây lãng phí thời gian và chi phí cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý lao động. Họ cho rằng việc đăng tuyển không hợp lý, đặc biệt trong các trường hợp như người đại diện theo pháp luật, người đại diện vốn chủ sở hữu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, hoặc người nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, khi chính họ phải đăng tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí mà họ đang điều hành.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm