Đây là thắc mắc của anh Đình Trung, người lao động tại một công ty về xuất nhập khẩu ở TP.Thủ Đức (TP.HCM).
Với câu hỏi này, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM dẫn chiếu quy định tại khoản 1, 2, 3 điều 98 bộ luật Lao động. Theo đó, khoản 1 nêu rõ, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
- Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%
- Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%
- Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% (chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày).
Khoản 2, trường hợp người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Khoản 3 quy định đối với người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hay của ngày nghỉ lễ, tết.
Căn cứ các quy định này, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết trường hợp công ty yêu cầu người lao động làm thêm giờ thì phải trả lương làm thêm giờ, bộ luật Lao động không quy định việc nghỉ bù.
Cần lưu ý rằng theo điều 107 bộ luật Lao động, thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
Công ty chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi được sự đồng ý của người lao động. Đồng thời, phải bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày (trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng).
Ngoài ra, công ty phải bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp được quy định.
Hình thức xử phạt
Theo quy định tại khoản 2 điều 17, Nghị định 12 năm 2022 của Chính phủ, sẽ phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật… theo một trong các mức sau đây:
- Từ 5 – 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 1 – 10 người lao động
- Từ 10 – 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 – 50 người lao động
- Từ 20 – 30 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 – 100 người lao động
- Từ 30 – 40 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 – 300 người lao động
- Từ 40 – 50 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Tại khoản 5, điều 17 của Nghị định 12 còn buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động.
Trong đó, tiền lãi được tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Cần lưu ý, theo quy định tại điều 6, Nghị định 12 thì mức phạt này sẽ áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức, mức phạt tiền sẽ bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm