Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Người duy nhất xứ Quảng giữ bí quyết sản xuất gạch Chăm
Sinh ra ở vùng đất gốm sứ La Tháp, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, ông Nguyễn Quá (67 tuổi) đã theo nghề gốm, điêu khắc từ khi học hết lớp 9.
Sau 1975, ông Quá được đi đào tạo kỹ thuật tạo mẫu gốm tại Quảng Đông (Trung Quốc) trong 2 năm. Khi trở về, ông làm cán bộ xí nghiệp gốm sứ nhà nước tại La Tháp.
Năm 1993, ông Quá nghỉ chế độ và mở xưởng sản xuất gốm mỹ nghệ tại nhà. Ông thường xuyên vào Mỹ Sơn để nghiên cứu và vẽ lại những bức tượng, hoa văn Chăm để đưa vào sản phẩm của mình.
Năm 1999, khi khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, sản phẩm gốm của ông mới được nhiều người biết đến. Cũng từ đó, ông Quá bắt đầu xuất khẩu sản phẩm của mình sang Mỹ và các nước châu Âu.
Năm 2003, các chuyên gia Ý đến Mỹ Sơn để trùng tu tháp Chăm dưới sự bảo trợ của UNESCO. Khi tháp G bị đổ nát và số gạch cũ không đủ để trùng tu, họ đã tìm đến cơ sở gốm sứ của ông Nguyễn Quá để thử nghiệm sản xuất gạch mới.
Chuyên gia đã mang mẫu gạch Chăm cũ đi phân tích và đưa kết quả cho ông Quá, yêu cầu ông sản xuất loại gạch có tính chất vật lý và hóa học tương đồng với gạch cũ. Nếu không đáp ứng được yêu cầu, họ sẽ dừng hợp tác.
“Tôi đồng ý dù lúc đó còn nhiều trăn trở nhưng cũng cố gắng vì không muốn nhìn di sản quý giá Mỹ Sơn ngày càng xuống cấp. Qua nhiều lần thử nghiệm, hàng trăm khối đất phải đổ bỏ, mẫu gạch Chăm mới đáp ứng được yêu cầu của chuyên gia”, ông Quá chia sẻ.
Gạch Chăm có kích thước gấp 4-5 lần gạch xây dựng, dài khoảng 30cm, rộng 17cm và dày 5-9cm.
Quá trình làm không dùng máy móc, chỉ sức người và dụng cụ thô sơ. Từ một cục đất sét nguyên chất đến khi cho ra một viên gạch phải mất gần một tháng. Đó là chưa kể những khi trời không nắng, phải đợi đến khi gạch tự khô mới cho vào lò nung.
Sau nhiều lần thử nghiệm, mẫu gạch Chăm của ông Nguyễn Quá được chuyên gia Ý phân tích và so sánh với gạch cũ, kết quả chỉ số lý hóa đạt 90%. Họ đã thử nhiều loại gạch, nhưng chưa có loại nào đạt kết quả như vậy nên đã đặt hàng ông Quá sản xuất.
“Gần 20 năm tôi sản xuất, cung cấp gạch cho các công trình trùng tu ở Mỹ Sơn và một số di tích tháp Chăm ở Bình Thuận và Gia Lai”, ông Quá cho hay. Năm 2023, ông còn xuất 30.000 viên gạch sang Lào để trùng tu đền cổ Wat Phou.
Hiện lò nung của ông Quá do nằm trong khu dân cư nên phải đóng cửa do ảnh hưởng đến môi trường. Để tiếp tục hoạt động, ông mong muốn được xây dựng lò đốt cách xa khu dân cư. Nếu được chấp nhận, ông sẽ sản xuất gạch tại xưởng ở gia đình, sau đó mang đến lò đốt.
Ông Quá cho biết, xưởng gạch của ông đã hoạt động trên 40 năm, lúc đó xung quanh không có dân cư. Hiện nay, dân cư đông đúc, nên việc nung gạch thủ công bị người dân phản đối, ông phải dừng hoạt động.
“Tôi chỉ mong được bố trí một khu đất nhỏ xa khu dân cư để tiếp tục sản xuất phục vụ trùng tu các tháp Chăm, dừng lại rất đáng tiếc”, ông Quá nói.
Ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết gần 20 năm qua, các chuyên gia Ý, Ấn Độ và Việt Nam đã sử dụng gạch của ông Quá cho các công trình trùng tu ở di tích Mỹ Sơn.
Gạch này đáp ứng tiêu chuẩn của UNESCO và các cơ quan chuyên môn. Sau trùng tu, gạch đảm bảo chất lượng và thích nghi với gạch gốc và môi trường di tích.
“Hiện chưa có cơ sở nào thay thế loại gạch do ông Nguyễn Quá sản xuất”, ông Khiết nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Lao động qua đào tạo tăng mạnh mà năng suất chậm cải thiện
TPHCM vừa phê duyệt chiến lược lao động – việc làm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Chiến lược được xây dựng với nhận định chung, lực lượng lao động của thành phố đang rất dồi dào với trình độ chuyên môn cao. Cụ thể, số lượng lao động đã qua đào tạo chiếm hơn 87,3% tổng số lao động đang làm việc. Trong đó, bậc đại học chiếm tỷ lệ cao nhất, 87% số lao động qua đào tạo, bậc cao đẳng là 7% và bậc trung cấp 6%.
Thành phố còn có ưu thế lớn khi là trung tâm kinh tế của cả nước, hằng năm thu hút lượng lớn nhân lực chất lượng cao từ các tỉnh đến làm việc, chưa kể hơn 30.000 lao động người nước ngoài đăng ký làm việc tại đây.
Tuy lao động đã qua đào tạo đạt tỷ lệ cao nhưng TPHCM lại đang đối mặt với thách thức lớn là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chậm hơn mức tăng trung bình cả nước.
Giai đoạn 2011-2015, năng suất lao động tại TPHCM tăng 4,42%/năm, trong khi năng suất lao động bình quân của cả nước tăng 4,53%.
Giai đoạn 2016-2022, năng suất lao động của thành phố tăng 4,23%/năm, trong khi năng suất lao động bình quân của cả nước tăng 6,71%.
Như vậy, trong khi năng suất lao động bình quân cả nước đang có xu hướng tăng đều thì chỉ số này ở TPHCM chững lại, những năm gần đây còn thấp hơn giai đoạn 2011-2015.
Ngoài thách thức trên, thành phố xác định 7 điểm hạn chế mà chiến lược lao động – việc làm cần khắc phục trong thời gian tới như: Chính sách tiền lương còn nhiều bất cập; số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần còn cao; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề còn nhiều hạn chế; thiếu giáo viên và cơ sở vật chất để đào tạo nhân lực; nhiều ngành nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu nhân lực thực tiễn…
Đặc biệt, UBND TPHCM nhấn mạnh đến thực trạng số lượng chuyên gia, nhà khoa học đã và đang làm việc tại thành phố rất hạn chế, chỉ tập trung vào một số ngành nghiên cứu trên phạm vi hẹp.
Hiện nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố thiếu nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, thành phố chưa có chính sách đặc biệt, có tính đột phá về thu nhập, phương thức tài trợ kinh phí nghiên cứu… để thu hút nhóm nhân lực này.
Vì vậy, chiến lược lao động – việc làm của thành phố trong thời gian tới đặt mục tiêu chính là tăng năng suất lao động xã hội, phát triển nguồn nhân lực trong 8 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: Công nghệ thông tin, truyền thông; cơ khí, ô tô; cơ điện tử, tự động hóa; kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị doanh nghiệp; logistics; chăm sóc sức khỏe; du lịch và xây dựng, môi trường, đô thị.
Ngoài ra, thành phố còn tập trung phát triển nhân lực cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu là: Cơ khí; điện tử, công nghệ thông tin; hóa chất, nhựa cao su; chế biến lương thực, thực phẩm.
Thành phố cũng xác định 9 nhóm công nghệ chính sẽ phát triển trong tương lai, bao gồm: Internet di động (mobile internet); điện toán đám mây (cloud computing); dữ liệu lớn (Big data); trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence); công nghệ tài chính (fintech); internet kết nối vạn vật (IoT); người máy tiên tiến (advanced robotics); sản xuất bồi đắp (Additive manufacturing); công nghệ bán dẫn.
Các nhóm ngành này có thể tác động, hình thành nhiều mô hình kinh doanh, ngành nghề mới, cần lực lượng lao động có các kỹ năng, trình độ, khoa học công nghệ cao hơn, khắt khe hơn. Do đó, thành phố yêu cầu các ngành liên quan chuẩn bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi việc làm trong tương lai, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
“Thánh địa” công nghệ thành nam châm hút nhân tài Việt
LỜI TÒA SOẠN
Việt Nam hiện có khoảng 40.000 người đi du học nước ngoài mỗi năm, số lượng cao gấp 2,5 lần giai đoạn trước 2013. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số du học sinh. Đây luôn được xác định là nguồn nhân lực chất lượng, tiềm năng với đất nước.
Tuy nhiên, định kiến “tốt nghiệp đại học danh tiếng tại Mỹ vẫn về Việt Nam làm việc”, “không ở nổi mới phải về”, “du học như vậy là khoản đầu tư thất bại”… hiện là rào cản lớn với việc về nước cống hiến. Trên thực tế, ngày càng có nhiều du học sinh chọn trở về vì nhìn thấy những cơ hội, triển vọng tốt, khả năng khởi nghiệp tại Việt Nam.
Dân trí thực hiện loạt bài viết “Thế hệ kỳ lân “đi để trở về” phản ánh xu hướng ngày càng phổ biến này và bài toán thu hút, tận dụng, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực được kỳ vọng “về để làm chủ” này.
Nơi nhiều cơ hội hơn bất cứ đâu!
Sarah Nguyen (Trang), sau 7 năm đi lại khắp nơi trên toàn cầu trong vai trò chuyên gia tư vấn chiến lược cao cấp của Bain & Company Bắc Âu, một trong ba tập đoàn tư vấn chiến lược toàn cầu có trụ sở tại Boston, Massachusetts, Mỹ, quyết định tìm kiếm một thử thách mới trong sự nghiệp.
Trở về Việt Nam cách đây 2 năm khi vừa hết dịch, Sarah lẽ ra sẽ gia nhập một kế hoạch tham vọng của Bain & Company tại thị trường Việt Nam. Nhưng cô đã thay đổi sau cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao điều hành Shopee Việt Nam, một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam, thuộc sở hữu và vận hành bởi Shopee, một công ty con của Sea Limited – “kỳ lân” công nghệ Singapore.
“Tôi muốn nhúng mình cọ sát đời sống kinh tế – xã hội ở Việt Nam sau bao năm ở nước ngoài. Cách tốt nhất đó là bắt nhịp với một ngành nghề có tốc độ phát triển nhanh chóng ở đây. Trước đây, tôi luôn đứng ở vai tư vấn những chiến thuật kinh doanh cho các doanh nghiệp, giờ tôi muốn đứng ở vai thực hành những chiến lược do mình nghĩ ra.
Bạn có thể thấy sự vận hành sống động của xã hội trong một môi trường mua bán tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trực tuyến. Liệu tôi có thể áp dụng những kiến thức, kĩ năng vào bối cảnh môi trường kinh doanh tiêu dùng ở xã hội Việt Nam? Điều này khiến tôi hào hứng gia nhập ngành công nghệ thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam”, Sarah Nguyen chia sẻ.
Trước đó, Sarah từng theo học MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) tại Columbia Business School, một trong những trường kinh doanh hàng đầu thế giới thuộc Đại học Columbia, 1 trong 8 trường khối Ivy League danh giá của Mỹ. Cô cũng từng giành được học bổng toàn phần từ quỹ HSP Huygens của Chính phủ Hà Lan dành cho những sinh viên quốc tế có thành tích xuất sắc nhất cho khối cao học.
Gia nhập Shopee Việt Nam, cô là một trong những nhân sự quản lý cấp cao chủ chốt (Giám đốc Marketing và Tăng trưởng), phụ trách xây dựng và thực thi chiến lược phát triển thị phần lâu dài cho Shopee, bao gồm việc lãnh đạo và giám sát chiến lược bán hàng và marketing tổng thể tăng lợi ích và trải nghiệm người dùng trên Shopee.
Điều Sarah tâm đắc nhất khi làm việc tại đây là có thể bản địa hóa những kiến thức, kinh nghiệm toàn cầu trong môi trường Việt Nam. Đơn cử như chiến thuật “người dùng trung tâm” được cô và các cộng sự áp dụng để thiết kế hàng loạt các chương trình, chính sách gia tăng trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng Việt khi mua hàng trên Shopee trong suốt năm 2024.
“Đặt khách hàng vào trung tâm của quyết định kinh doanh rất quan trọng đối với mọi doanh nghiệp. Xu hướng là các sàn thương mại điện tử ngày càng tập trung vào cải thiện trải nghiệm của người dùng – tức người mua hàng và cung cấp các dịch vụ sau bán hàng tốt hơn cho họ. Điều này nhằm gia tăng lòng tin và sự trung thành của khách hàng, từ đó giúp người bán thúc đẩy doanh số và tăng cường năng lực cạnh tranh. Chúng tôi đã chạy thử những khảo sát từ thực tế thị trường Việt Nam về cách tiếp cận này và cho thấy tín hiệu đáp ứng khả thi”, Sarah hào hứng trình bày.
Tuy nhiên, cô cho rằng, mọi thực hành cần yếu tố quyết định là năng lực dung hợp những tập quán toàn cầu của môi trường làm việc tại bản địa. Shopee là một nền tảng thương mại quốc tế với nhiều nhánh thị trường ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Sự vận hành nhất quán nền tảng này theo những tập quán toàn cầu tại các thị trường giúp phát triển tài năng công nghệ địa phương nói chung, cung cấp kinh nghiệm cạnh tranh toàn cầu và đào tạo nhân lực ngay tại sân nhà.
“Một trong những điều khiến tôi thấy bản thân hòa nhập nhanh chóng ở đây đó là môi trường làm việc dựa vào dữ liệu định hướng để hỗ trợ ra các quyết định, chiến lược kinh doanh. Đây cũng là cách làm việc quen thuộc của tôi tại công ty tư vấn toàn cầu”, Sarah chiêm nghiệm.
Sarah cảm thấy hạnh phúc khi trở lại Việt Nam làm việc.
Sau hai năm đầu quân, cô đã phát triển một đội ngũ chuyên môn thiện chiến tại chỗ để cùng đồng hành trong mảng hoạt động chuyên môn tại Shopee.
“Tôi gặp được những bạn trẻ thông minh, khát khao tri thức và tiếp nhận những cái mới. Các cộng sự đón nhận sự hướng dẫn của tôi và liên tục tiến bộ cả về kiến thức, kỹ năng và khả năng lãnh đạo đội nhóm để cùng nhau hợp tác học hỏi, thực hành những kiến thức, kĩ năng ứng dụng vào trong công việc. Đó là điều làm tôi hạnh phúc nhất khi trở lại Việt Nam làm việc”, cô nói.
Sara nhận ra, với một người Việt trẻ có tri thức, năng lực toàn cầu và khả năng lãnh đạo, Việt Nam vẫn là nơi có nhiều cơ hội hơn bất cứ nơi đâu để làm những công việc, dự án hay ho và tạo ra tác động cho xã hội.
Cô tâm niệm: “Tôi có những khát khao phát triển sự nghiệp của mình lên một tầm cao mới. Hai năm sau khi trở về Việt Nam, tôi vẫn giữ cho mình một năng lượng tích cực và tin tưởng đi cùng những người cùng thế hệ như tôi xuất phát sự nghiệp từ trong nước nhưng thông minh, trí tuệ và máu lửa hoàn thành những công việc tạo ra những giá trị cho cuộc sống ở đây”.
Đem thực tiễn Việt Nam ra “test” với thế giới
Rời Việt Nam khi 15 tuổi, Ngô Mai Nhật Huy đi một lèo 8 năm, sống và học tập ở nước ngoài – một khoảng thời gian dài đủ để thấy “cảm giác quay lại nhà rất lạ”. Huy sống 3 năm tại New Zealand sau đó chuyển qua Mỹ học chuyên ngành Quản lý Chuỗi cung ứng (Supply Chain Management) tại Đại học Texas Christian (TCU), một trường đại học tư thục ở Fort Worth, Texas, Mỹ.
Ngô Mai Nhật Huy lấy bằng Quản lý Chuỗi cung ứng (Supply Chain Management) tại Đại học Texas Christian, Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp, Huy đầu quân tại công ty Deloitte Consulting ở Dallas, Texas, một doanh nghiệp tư vấn. Công ty này chuyên về tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp, tư vấn quản trị rủi ro, tư vấn kỹ thuật số như triển khai các giải pháp công nghệ thông tin và kỹ thuật số để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Mảng chuyên ngành của Huy là tư vấn về chuỗi cung ứng và vận hành, trong đó cung cấp các tư vấn tối ưu hóa hoạt động chuỗi cung ứng và quản lý vận hành để tăng cường hiệu quả và hiệu suất của doanh nghiệp.
Câu chuyện “về Việt Nam hay ở lại Mỹ” bắt đầu trở thành một chủ đề cần suy nghĩ, cân nhắc khi Huy thấy mình cần phải hoạch định một hướng đi sự nghiệp lâu dài, nghiêm túc.
“Tôi đã tham khảo những người bạn, những người có kinh nghiệm đi trước. Có nhiều ý kiến đưa ra nhưng họ gợi ý tôi một hướng mở rất hợp lý. Đó là tại sao không thử quay về Việt Nam vì dù sao đó cũng là quê hương, sẽ có những thuận lợi nhất định. Nếu không làm được gì thì vẫn có thể quay lại Mỹ đi học hoặc làm gì đó tiếp.
5 năm sống tại Mỹ, tôi thấy mình vẫn là một người nước ngoài, khác biệt văn hóa, không có cảm giác thuộc về nơi đó. Việc trở về Việt Nam, với tôi, trở nên thôi thúc và rõ ràng hơn trước lời khuyên như vậy”, Huy bộc bạch.
Trước khi quay về Việt Nam lập nghiệp, tôi không thể tưởng tượng mình sẽ thế nào. Khi quay về tôi nhận ra Việt Nam có nhiều cơ hội, con đường và lựa chọn để phát triển bản thân. Tôi lựa chọn được là chính mình
Huy định hướng cho mình gia nhập ngành công nghệ ngay từ đầu khi tìm việc quay về Việt Nam. Lên mạng tìm kiếm thông tin tuyển dụng, Huy để mắt tới một chương trình mang tên Global Leaders Program, một chương trình tìm kiếm và ươm mầm những tài năng trẻ muốn thử sức trong lĩnh vực thương mại điện tử và có khát vọng trở thành nhân sự nòng cốt của Shopee trong tương lai.
Ứng tuyển thành công, Huy bắt đầu “công việc đầu tiên” ở Việt Nam một cách hào hứng bởi được làm việc đúng chuyên môn theo học tại Mỹ. Sau một thời gian làm việc ở vị trí nhất định, theo chính sách của công ty, Huy được luân chuyển sang các phòng ban khác để học hỏi và mở rộng kiến thức chuyên môn. Sau 2 năm, công ty luân chuyển, đưa Huy sang địa bàn nước ngoài học hỏi kinh nghiệm 6 tháng tại Shopee Brazil.
“Từ trải nghiệm môi trường làm việc của Mỹ, rồi Việt Nam và qua Brazil, tôi nhận ra sự đa dạng khác biệt trong phong cách và văn hóa làm việc ở mỗi nơi khác nhau, sự đa dạng làm giàu nhận thức và mở mang đầu óc. Những đồng nghiệp Brazil luôn chủ động trao đổi với tôi kinh nghiệm vận hành những quy trình quản lý chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam. Thật thú vị khi có thể trao đổi những thực tiễn vận hành quản lý chuỗi cung ứng thương mại điện tử ở thị trường Việt Nam với thị trường ở nước ngoài”, Nhật Huy bày tỏ.
Huy nhận xét, các đồng nghiệp Brazil rất thân thiện. Họ không chỉ học hỏi về kinh nghiệm quản lý mà còn yêu thích tìm hiểu về văn hóa châu Á và các đặc điểm thú vị về ngôn ngữ các nước như Việt Nam.
Nhìn lại hành trình đã lựa chọn, Huy nhận thấy, trước khi quay về Việt Nam lập nghiệp, cậu không thể tưởng tượng mình sẽ như thế nào trong tương lai. Nếu chọn ở lại Mỹ, Huy có một con đường thẳng đó là làm việc trong một công ty, có thu nhập, và sau đó có thể ổn định cuộc sống.
Và khi đã về, Huy nhận ra Việt Nam có nhiều cơ hội, nhiều cánh cửa, con đường và lựa chọn để phát triển bản thân. “Mỗi người có một lựa chọn. Với tôi sự lựa chọn được là chính mình trong cuộc sống với những năng lượng cảm hứng không ngừng được nuôi dưỡng và tìm được nơi mình thuộc về và thấy thân thuộc quan trọng hơn”, Huy bộc bạch.
“Tham gia vào tương lai của Việt Nam”
Nguyễn Hoàng Thái du học ở Singapore và Mỹ 7 năm. Tại Mỹ, Thái theo học tại Amherst College, một trong những trường đại học tư thục khai phóng cổ điển nhất và uy tín nhất của Mỹ ở Amherst, tiểu bang Massachusetts.
Tại một doanh nghiệp công nghệ “kỳ lân”, những nhân sự trẻ người Việt thấy được vai trò đóng góp, kiến tạo với xã hội, với quê hương.
Thái nghĩ tới việc trở về Việt Nam và tìm việc trong ngành công nghệ từ quan sát một thực tiễn trong đại dịch Covid-19. Cách ly, giãn cách xã hội đã làm chuỗi cung ứng hàng hóa gián đoạn. Kinh tế trong đại dịch đã tạo ra khoảng cách cho những đối tượng yếu thế, đặc biệt là người nông dân buôn bán theo chuỗi cung ứng tập quán cũ và đơn giản.
Sự nhập cuộc nhanh chóng của các sàn thương mại điện tử như Shopee và các ứng dụng thương mại điện tử, các trang web thương mại điện tử giúp bà con nông dân đẩy nhanh cung ứng hàng hóa, khai thông thị trường, kết nối nhanh chóng với người tiêu dùng nhờ công nghệ.
“Covid-19 cho tôi thấy hiệu ứng và vai trò của công nghệ trong chuyển đổi và cải thiện cuộc sống của người dân với kết quả có thể đong đếm ngay trước mặt. Bất chấp biến động của thời đại, công nghệ có thể giúp thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Tôi rất cảm kích trước ý nghĩa tác động này và mong muốn gia nhập ngành công nghệ để giúp tạo ra những tác động tích cực cho cuộc sống”, Thái chia sẻ.
Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển và công nghệ là một trong những ngành phát triển với tốc độ nhanh chóng, nắm bắt các xu hướng toàn cầu. Trong khi đó, Chính phủ đang triển khai nhiều kế hoạch kinh tế kỹ thuật số đầy tham vọng giúp phát triển đất nước. Theo Thái, công nghệ là lĩnh vực mà chức năng của nó hiện diện và cần thiết cho mọi khía cạnh ngành nghề.
“Đối với những người trẻ, công nghệ có thể hiểu là cơ hội. Bởi, công nghệ với bản chất thay đổi liên tục dạy cho những người trẻ một kỹ năng. Đó là năng lực thích ứng sự thay đổi và thích ứng một cách nhanh chóng”, Thái chia sẻ.
Gia nhập Shopee làm việc, Thái cho hay tư duy toàn cầu trong môi trường làm việc ở đây giúp những người trẻ như mình thấy được vai trò đóng góp kiến tạo.
“Một vấn đề sẽ được nhìn theo nhiều chiều khác nhau. Việc giải quyết vấn đề sẽ tiếp cận theo hướng khuyến khích sự sáng tạo mà không cần đi theo công thức lối mòn, dập khuôn. Mỗi cá nhân chúng tôi có quyền đề xuất cách tiếp cận tối ưu và hiệu quả, miễn sao cách tiếp cận đó đi đến kết quả cuối cùng tốt”, Thái nói.
Thêm vào đó, điều khiến Thái cảm thấy kỳ vọng về sự đóng góp khi quay trở lại Việt Nam, thành mắt xích của một nền tảng thương mại điện tử phổ biến ở Đông Nam Á, cho phép nhân lực tại chỗ như anh tham gia vào tương lai của Việt Nam, nhất là kỳ vọng một ngày không xa, có thể mang những sản phẩm “Made in Vietnam” đi xuyên biên giới. Điều đó giống như, dù sự dịch chuyển tri thức, kinh nghiệm toàn cầu đi theo hướng nào, chỉ cần có cơ hội và môi trường, những người quay trở về luôn thấy đất nước thực sự là tương lai của chính họ.
Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nền kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ và nền tảng số. Trong đó, kinh tế số bao gồm 3 cấu phần chính, trong đó kinh tế số ngành là một trụ cột. Một trong những lĩnh vực trọng điểm thuộc kinh tế số ngành là thương mại điện tử.
Theo Chiến lược, phát triển doanh nghiệp số là một trong những nhiệm vụ quan trọng phát triển nền móng kinh tế số của Việt Nam. Từ góc độ cơ hội, người Việt trẻ đang có nhiều không gian mở để nhúng mình trong xu hướng kinh tế số hóa và xã hội số hóa của đất nước.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Công ty chậm thu mua mía, nông dân lại “ngồi trên lửa”
Ngày 4/3, UBND thành phố Kon Tum, Kon Tum thông tin đang phối hợp với cơ quan chức năng xác minh việc người dân phản ánh Công ty Cổ phần đường Kon Tum chậm thu mua mía khiến năng suất, chất lượng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, những ngày qua, nhiều người dân ở thành phố Kon Tum lo lắng khi mía chất đầy đồng và đang khô dần nhưng Công ty Cổ phần đường Kon Tum chậm thu mua. Điều này khiến mía bị khô, giảm sản lượng, trữ lượng đường, dẫn đến giảm thu nhập.
Thời gian qua, nhiều người dân thành phố Kon Tum lo lắng khi Công ty Cổ phần đường Kon Tum chậm thu mua khiến cho mía giảm chất lượng, dễ cháy trong mùa khô (Ảnh: Chí Anh).
Đặc biệt, thời tiết tại Kon Tum đang vào giai đoạn nắng gắt cũng khiến nguy cơ cháy rẫy mía rất cao.
Trước việc này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, UBND thành phố Kon Tum, Công ty Cổ phần đường Kon Tum xác minh thông tin và có hướng giải quyết việc thu mua mía chậm.
Sau buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã có báo cáo gửi UBND tỉnh này.
Theo báo cáo, Công ty Cổ phần đường Kon Tum đã chậm thu mua mía cho bà con trên địa bàn. Nguyên nhân của tình trạng trên là do vào niên vụ ép mía 2023-2024, Công ty Cổ phần đường Kon Tum có lắp đặt, nâng cấp dây chuyền hiện đại để nâng công suất của nhà máy lên 2.500 tấn/ngày đêm.
Cơ quan chức năng đã vào cuộc và yêu cầu công ty sớm đẩy nhanh tiến độ thu mua mía để giảm thiểu thiệt hại cho người dân (Ảnh: Chí Anh).
Trong quá trình sửa chữa, nâng cấp, thiết bị mới đưa vào hoạt động cần phải hiệu chỉnh các thông số để ổn định và đồng bộ, do đó thời gian vào vụ sản xuất 2023-2024 bắt đầu từ ngày 15/12/2023, bị chậm hơn khoảng 20 ngày so với các năm trước.
Mặt khác, năm nay do thời tiết hạn hán hơn so với năm trước, ruộng mía trên cao khô hạn, dẫn đến người dân lo lắng, bức xúc.
Công ty Cổ phần đường Kon Tum đã hoàn chỉnh việc lắp đặt thiết bị nâng công suất của nhà máy và đang tiến hành đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Đồng thời, công ty cam kết sẽ thu mua những diện tích mía còn lại trên địa bàn tỉnh dứt điểm trong tháng 3 và thực hiện chính sách hỗ trợ thêm chi phí với mức 20.000 đồng/tấn mía sạch.
Cảnh mía thu hoạch xong, chờ được vận chuyển trong thời gian qua (Ảnh: Chí Anh).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện UBND thành phố Kon Tum, thông tin việc công ty chậm thu mua mía của bà con trên địa bàn là có thật. Việc thu mua chậm đã khiến cho bà con “đứng ngồi không yên” vì lo sợ mía giảm chất lượng, dễ cháy do nắng nóng.
Trước việc này, UBND thành phố Kon Tum đã làm việc trực tiếp với Công ty Cổ phần đường Kon Tum và công ty cam kết sẽ thu mua hết diện tích mía còn lại của người dân trong tháng 3.
Được biết, trên địa bàn thành phố Kon Tum có hơn 832ha mía đủ điều kiện cho thu hoạch. Đến thời điểm này, mới có 480ha đã thu hoạch xong, còn hơn 350ha người dân chưa thu hoạch.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
- « Previous Page
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- …
- 8
- Next Page »