Thực trạng tín dụng đen, lừa đảo qua mạng trong công nhân được các đại biểu phản ánh chiều 1.12, tại trung tâm thảo luận trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Công ty mất lao động, công đoàn mất đoàn viên vì tín dụng đen
Phản ánh thực trạng tín dụng đen trong công nhân lao động, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai), cho hay thời gian qua, xuất hiện tình trạng công nhân bị lôi kéo tham gia vào tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên mạng xã hội.
Là doanh nghiệp lớn tại Đồng Nai, có tới 37.000 công nhân, lao động, ông Tú đánh giá: “Đây là vấn đề rất khó kiểm soát, đặc biệt là nạn đánh bài trên mạng. Người công nhân vướng vào nợ nần khó khăn, nhiều người phải trốn nợ, công ty mất lao động, công đoàn thì mất đoàn viên. Vấn đề nóng này chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cùng với lực lượng công an tìm giải pháp tháo gỡ”.
Đáng chú ý, từ sau đại dịch Covid-19 tình hình này ngày càng nghiêm trọng.
“Khi công nhân khó khăn, họ mắc vào tín dụng đen, vay tiền trên app và không có khả năng chi trả, rơi vào cùng quẫn. Có ngày tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi điện thoại “khủng bố” đòi nợ. Cán bộ công đoàn còn bị hăm dọa khi phát hiện đối tượng cho vay nặng lãi hoặc có ý định lôi kéo công nhân tham gia vào cờ bạc, tín dụng đen”, ông Tú nói.
Chia sẻ thêm thông tin, thượng tá Phan Văn Đuộc, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, cho biết tình hình công nhân sa vào tín dụng đen, lừa đảo qua mạng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự trong công nhân.
Mánh khóe lừa đảo qua mạng được thượng tá Đuộc vạch trần: “Các đối tượng xấu dùng thủ đoạn là đăng tin tìm lao động online, việc nhẹ lương cao, dẫn dụ công nhân vào các đường dây buôn người. Sau đó, gia đình phải mất rất nhiều tiền để chuộc con em về thông qua hình thức cho vay tiền qua app (vay tiền online) rồi chiếm đoạt tài sản”.
Quan tâm nhiều hơn vấn đề an ninh mạng trong công nhân
Theo ông Đặng Tuấn Tú, tình trạng công nhân sa vào dụng đen, rơi vào bẫy nợ nần đang là vấn đề nhức nhối, cần tìm giải pháp tháo gỡ.
Để bảo vệ công nhân, lao động khỏi nạn tín dụng đen, công ty cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ông Tú bày tỏ: “Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an ninh mạng trong công nhân, tạo kênh trao đổi thường xuyên với công nhân, giúp họ tránh xa tín dụng đen. Thời điểm bị “khủng bố” đòi nợ, chúng tôi đã phải làm văn bản gửi lên công an tỉnh. Thời gian gần đây tình trạng nhắn tin đòi nợ đã giảm đi, mong các cấp quan tâm hơn nữa trong thời gian tới”.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ công tác công đoàn trong tình hình mới, thượng tá Phan Văn Đuộc cho rằng, các cấp công đoàn phải nắm chắc tình hình công nhân để tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và đảm bảo an ninh, trật tự trong công nhân.
Ông Đuộc cũng đề nghị: “Cán bộ công đoàn phải phối hợp cùng công an để tham mưu với cấp ủy, chính quyền, cũng như phối hợp với địa phương xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trong công nhân”.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h
Nguồn: Sưu Tầm