‘Tôi như bị đồng nghiệp thao túng tâm lý vậy’
Là một người trẻ mới gia nhập thị trường lao động mới được 4 tháng, anh Thuận (22 tuổi, ở TP.HCM), là nhân viên tại một công ty sản xuất và kinh doanh tôn thép. Anh Thuận cảm thấy lo lắng và căng thẳng vì mức thu nhập chưa ổn định nhưng phải chi một phần lương để hòa nhập vào môi trường làm việc.
“Đồng nghiệp thường rủ tôi đi ăn, uống trong giờ nghỉ trưa và sau giờ làm việc. Dù tôi hay mang cơm từ nhà để tiết kiệm, nhưng vì sợ mất lòng đồng nghiệp và muốn hòa nhập, tôi không biết từ chối thế nào cho khéo. Tôi còn mắc hội chứng FOMO (sợ bỏ lỡ) nên thường dễ dàng cuốn theo đám đông. Mỗi lần tham gia, tôi lại cảm thấy ‘đau ví’ vô cùng và thường hụt ngân sách chi tiêu. Có lần, cuối tháng tôi không còn tiền, phải ăn mì gói và trứng cho qua bữa”, anh Thuận than.
Tương tự, chị Thuỷ Tiên (25 tuổi, ở TP.HCM, là nhân viên marketing của một cơ sở bảo trợ xã hội) chia sẻ, chị đã tiêu khá nhiều tiền vì đồng nghiệp rủ rê đặt đồ ăn vặt, trà sữa mỗi giờ nghỉ trưa và đi ăn buffet mỗi khi tan làm.
“Tôi sợ mỗi khi đến giờ nghỉ ngơi, đồng nghiệp sẽ gửi một link ship hàng vào nhóm chung rồi nói: ‘Trà sữa, chuối chiên không mọi người’. Mỗi lần như vậy, tôi tốn ít nhất 40.000 đồng. Còn những lần đi ăn ở trung tâm thương mại thì tốn khoảng 300.000 – 500.000 đồng”, chị Tiên nói.
Không chỉ ăn uống, chị Tiên còn bị đồng nghiệp rủ rê mua sắm quần áo, phụ kiện theo nhóm để bắt kịp xu hướng và để nhận nhiều mã ưu đãi, giảm giá. Chị còn được đồng nghiệp hướng dẫn cách săn sale, voucher và các deal hời khi mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
“Tôi như bị đồng nghiệp thao túng tâm lý vậy. Có lần, tôi từ chối lời mời mua sắm với lý do hết tiền thì đồng nghiệp nói: “Mua đi, chị cho mượn. Đầu tháng có lương trả chị cũng được”, chị Tiên kể.
Làm sao để không “mất kiểm soát” khi bị đồng nghiệp rủ rê?
Khoảng thời gian đầu mới đi làm, chị Tiên cảm thấy bối rối vì không biết tránh những mời gọi sao cho tinh tế, không mất lòng. Hiện tại, thay vì đi chơi, mua sắm với tần suất dày như trước thì chị hạn chế hơn. Chị thường mang sữa chua, trái cây lên công ty ăn thay vì đặt trà sữa, cà phê cùng mọi người.
Chị Tiên cũng khuyên rằng, khi không phù hợp với ngân sách của mình, chúng ta có thể lịch sự từ chối bằng cách viện lý do bận việc hoặc ăn kiêng. Ngoài ra, chúng ta thử đề xuất các hoạt động thay thế ít tốn kém hơn. Thay vì đi ăn uống ở ngoài, có thể rủ đồng nghiệp cùng nhau mang cơm trưa từ nhà hoặc cùng tổ chức một bữa ăn chung tại công ty.
Chị Diệu Hằng (22 tuổi, ở Đà Nẵng, là nhân viên của phòng Sales) chia sẻ, ở công ty của chị làm đa số là nhân sự thuộc thế hệ Gen Z nên chị ví mình “như cá gặp nước”. Không chỉ phù hợp với đồng nghiệp về tư tưởng, quan điểm sống mà còn hợp gu ăn uống.
Thời gian đầu mới đi làm, không có ngày nào chị Hằng không uống trà sữa và ăn vặt. Chị Hằng kể, chị tăng 3 kg sau 2 tháng đi làm ở công ty mới. Chị cũng “vung tay” tiêu nhiều hơn cả tiền lương để tâm sự, “chữa lành” cùng đồng nghiệp.
Tuy nhiên, hiện tại chị đã giữ được sự cân bằng giữa việc xã giao và quản lý tài chính. Bí quyết của chị Hằng là có một kế hoạch chi tiêu rõ ràng và đồng ý các lời mời ăn uống lành mạnh. “Tôi thường sử dụng các ứng dụng quản lý tài chính để theo dõi thu nhập và chi tiêu hàng tháng. Một khi đã xác định được giới hạn chi tiêu, tôi sẽ dễ dàng đưa ra quyết định có nên tham gia vào những hoạt động đó hay không”, chị Hằng gợi ý.
Tiêu tiền nhiều hơn vì đồng nghiệp rủ rê là tình huống mà ai cũng có thể gặp phải trong môi trường công sở. Tuy nhiên, bằng cách ứng xử tinh tế và khéo léo, bạn có thể giữ được mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp vừa giữ được sự ổn định tài chính của bản thân.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm