Gia đình chị Phạm Thị Ngọc Thu (34 tuổi, ở căn nhà nằm sâu trong hẻm ở P.13, Q.6, TP.HCM), xúc động khi đoàn công tác đến thăm. Chồng chị Thu là anh Long đã qua đời vì bị tai nạn lao động khi thi công nạo vét tại hố thoát nước vỉa hè ngày 26.7.2023, tại xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh.
Sau biến cố, chị Thu gồng gánh nuôi hai con nhỏ. Người thân trong gia đình chị đến nay đã ba đời đều làm công nhân thi công hố thoát nước. Cuộc sống vốn không mấy dư dả, nay lại càng khó khăn hơn khi vắng bóng người chồng.
Hiện các chế độ tai nạn lao động của anh Long đã được đơn vị sử dụng lao động thực hiện theo quy định. Chị Thu cũng được công ty (nơi anh Long làm công nhân) hỗ trợ nhận vào làm để có kinh phí ổn định cuộc sống.
Chị tâm sự, đứa con trai ngày nào cũng thắp nhang cho ba và gọi hoài: “Ba ơi, ba về với con”. Dù bây giờ, nỗi đau đã dần nguôi ngoai nhưng lòng chị lúc nào cũng đau đáu không biết trong tương lai liệu có đủ sức để lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn hay không.
Khi biết tin đoàn đến thăm, chị Thu không khỏi xúc động, bày tỏ lòng biết ơn vì lãnh đạo của cơ quan chức năng đã quan tâm, hỗ trợ gia đình.
Tham gia cùng đoàn công tác, ông Dư Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND P.13 mong muốn gia đình chị Thu sẽ sớm vượt qua mất mát, ổn định cuộc sống, động viên các cháu cố gắng học hành.
“Phường đã nắm bắt trường hợp này và hỗ trợ gia đình chị Thu. Đồng thời sẽ tăng cường phối hợp với đoàn lao động giám sát, kiểm tra, kể cả với các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh sử dụng lao động có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao để hạn chế thấp nhất việc mất mát, đau thương như thế này”, ông Cường nói.
Cùng ngày, đoàn cũng đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Kim Nga (ở ấp Bình Thạnh, xã Bình Khánh, H.Cần Giờ). Chồng bà Nga là anh Nguyễn Văn Dưng qua đời vì bị tai nạn khi đang làm việc tại công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ ở P.Tân Quy, Q.7 hồi tháng 9.2023.
Thuộc diện hộ nghèo của địa phương, khi chồng qua đời, chị Nga và hai con đang chật vật mưu sinh, ổn định cuộc sống. Trong căn nhà nhỏ hiu quạnh, bốn bức tường xi măng chưa được sơn màu, chị Nga bật khóc khi kể về người chồng xấu số.
Anh Dưng (là lao động tự do) không có bảo hiểm tai nạn lao động. Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã vận động chủ nhà và các nhà thầu liên quan để giúp đỡ cho gia đình 150 triệu đồng.
“Tôi không mong gì hơn, chỉ mong tìm được một công việc ổn định, có lương rồi sống qua ngày với các con. Tôi cũng biết ơn các lãnh đạo đã cất công đến tận đây để thăm hỏi và hỗ trợ gia đình tôi rất nhiều”, chị Nga xúc động.
Chính quyền địa phương cho hay, sẽ giúp đỡ chị Nga tìm kiếm công việc ổn định trong thời gian tới.
Đến thăm hỏi, động viên hai gia đình, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM hỗ trợ mỗi gia đình 4 triệu đồng (bao gồm một phần quà trị giá 1 triệu đồng và 3 triệu đồng tiền mặt), từ nguồn đóng góp của cán bộ, công chức Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM. Qua đó hy vọng tiếp sức gia đình, mong gia đình có thêm niềm tin, nghị lực, từng bước vượt qua mất mát.
Ông Nguyễn Thành Lâm, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho hay so với năm ngoái thì năm nay, số vụ tai nạn lao động trên địa bàn thành phố đã giảm đi đáng kể.
“Chúng tôi cương quyết xử lý vi phạm hành chính khi doanh nghiệp vi phạm quy định an toàn vệ sinh lao động và sẽ chuyển hồ sơ, kiến nghị xử lý hình sự nếu thấy có dấu hiệu”, ông Lâm nói và cho biết thêm: “Khi có tai nạn lao động xảy ra, chúng tôi nhất định đề nghị doanh nghiệp giải quyết, xử lý bồi thường cho gia đình nạn nhân. Chúng tôi sẽ làm việc cật lực với một số doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi, vì đối với một số gia đình, người bị tai nạn lao động là trụ cột chính về kinh tế, còn có con nhỏ”.
Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng cho hay, chuyến thăm hỏi, động viên gia đình có thân nhân mất vì tai nạn lao động nhằm tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của các gia đình hiện tại và có biện pháp trợ giúp kịp thời. Qua đó, để mỗi cán bộ, công chức Thanh tra Sở và chính quyền địa phương đặt mình vào vị trí gia đình nạn nhân để thấu hiểu, phát huy hết trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ của mình với nhân dân.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h
Nguồn: Sưu Tầm