Sáng 30.7, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phối hợp Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM và Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề về các giải pháp thúc đẩy mở rộng độ bao phủ người tham gia BHXH ở những nơi có quan hệ lao động trên địa bàn TP.HCM.
Theo thông tin từ hội nghị, hiện nay, TP.HCM có hơn 2,5 triệu người tham gia BHXH (chiếm hơn 51% lực lượng lao động trong độ tuổi). Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM cho hay hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp cố tình chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động.
Theo thượng tá Ngô Thuận Lăng, qua nắm bắt, Công an TP.HCM nhận diện có 3 hành vi, thủ đoạn phổ biến vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm. Cụ thể:
Thứ nhất, thủ đoạn trốn đóng BHXH cho người lao động. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ giao kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng. Điều này dẫn đến tình trạng quỹ tiền lương tham gia BHXH, BHYT, BHTN do cơ quan BHXH đang quản lý thấp hơn rất nhiều lần so với quỹ lương thực tế đã chi của các đơn vị.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chia nhỏ quỹ lương thành các khoản phụ cấp, hỗ trợ nằm trong các khoản không phải đóng BHXH, hoặc ký các loại hợp đồng với tên gọi khác nhau như thuê cộng tác viên, hợp đồng khoán hoặc trả lương theo ngày để trốn tránh việc đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Theo Công an TP.HCM, nhiều doanh nghiệp thay đổi trụ sở, địa chỉ hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo cho cơ quan BHXH. Chính điều này đã ảnh hưởng đến công tác quản lý thu, khắc phục tiền chậm đóng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, không còn hoạt động tại địa điểm sản xuất kinh doanh hay phá sản, giải thể nên dẫn tới việc chậm đóng, khó thu.
Thứ hai, gian lận để thụ hưởng các chế độ BHXH. Theo đại diện Công an TP.HCM, có thực trạng nhiều đối tượng lập khống, giả mạo hồ sơ BHXH để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí. Ngoài ra, các đối tượng còn thành lập doanh nghiệp “ma”, sau đó làm hợp đồng tuyển dụng lao động khống cho nhân viên nữ để đăng ký đóng BHXH nhằm trục lợi quỹ BHXH.
Thứ ba, các thủ đoạn liên quan đến quản lý và thực hiện chính sách, điển hình trong lĩnh vực y tế. Thượng tá Ngô Thuận Lăng cho hay, có tình trạng nhiều nhân viên y tế lợi dụng chức vụ để kê toa thuốc khống cho người quen nhằm lấy thuốc BHYT để trục lợi.
Chưa kể, một số các cơ sở y tế cũng có dấu hiệu lập khống hồ sơ bệnh án của người bệnh để thanh toán chi phí khám chữa bệnh với cơ quan BHXH. Các cơ sở này sử dụng các thông tin thẻ BHYT của những người thân hoặc những bệnh nhân đã từng đến khám để lập hồ sơ khám chữa bệnh “khống” nhằm chiếm đoạt tiền BHXH.
Công an TP.HCM ghi nhận có tình trạng các nhân viên y tế lấy thuốc BHYT để bán ra ngoài, hưởng lợi bất chính hoặc làm hồ sơ khống để thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH.
Bên cạnh đó, còn có một số thủ đoạn cố ý làm trái khi thi hành công vụ trong lĩnh vực bảo hiểm như cấp giấy chứng nhận nghỉ việc, cấp giấy ra viện, giấy khám thai không đúng quy định; cấp biên bản giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động không đúng quy định của lĩnh vực chuyên môn để người tham gia BHXH hưởng chế độ BHXH trái pháp luật…
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm