Thu nhập tiền tỷ nhờ trái cau được giá
Ông Phùng Văn Chính (65 tuổi, trú xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước) trồng hơn 3.000 cây cau trên diện tích hơn 2ha, có 200 cây cau đang cho trái. Với giá cau năm nay, ông Chính ước tính thu về 250-300 triệu đồng.
Nếu như năm ngoái, cau quả lúc được giá cũng chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, có lúc rớt xuống còn 3.000 đồng/kg; năm nay vào thời điểm đầu vụ, cau được thương lái thu mua với giá 50.000 đồng/kg.
Từ đầu vụ cau (tháng 8 hàng năm), giá cau tươi liên tục tăng, kỷ lục lên đến 120.000 đồng/kg nên nông dân vùng trồng cau Quảng Nam phấn khởi, nhiều chủ vườn thu về từ hàng trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.
Ông Chính cho biết, cây cau trồng khoảng 6-7 năm bắt đầu cho quả, mỗi cây 3-5 buồng. Cây cau rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và đặc biệt là chống chọi với gió bão tốt, ít bị ngã đổ.
Trước đây, cau được người dân trồng quanh vườn nhà tạo cảnh quan, lấy trái ăn trầu và bán dịp lễ, Tết. Từ khi cau xuất khẩu được giá, nhiều người trồng.
Theo ông Chính, trước đây, khi cau chưa có thị trường xuất khẩu, thương lái đến vườn thu mua số lượng ít và giá rất thấp. Từ khi thị trường xuất khẩu “ăn hàng”, thương lái đến vườn thu mua với giá cao.
“Có năm giá cau chỉ 13.000-15.000 đồng/kg. Năm nay, giá cau đầu mùa đã hơn 50.000 đồng/kg, đầu tháng 10 giá tăng đến 100.000 đồng/kg. Có lúc tăng lên 120.000 đồng/kg”, ông Chính cho hay.
Ông Huỳnh Ngọc Hòa (thôn 1, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước) đang có 1,5ha cau, trong đó hơn một nửa diện tích đã cho thu hoạch. Năm ngoái, với diện tích này gia đình ông chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng từ bán trái cau tươi.
Năm nay, giá cau liên tục tăng, cau của gia đình ông Hòa được thương lái thu mua tại vườn với giá trung bình 80.000-90.000 đồng/kg. Vụ cau năm nay, dự kiến gia đình ông “bỏ túi” trên 1 tỷ đồng.
Theo một chủ vựa thu mua cau, quả cau tươi mua về được sấy khô rồi xuất sang thị trường Trung Quốc.
Nguyên nhân giá cau năm nay tăng cao là do nguồn cung bị thiếu hụt, sản lượng cau ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) vừa rồi bị thiệt hại nặng do bão Yagi.
Theo ông Hòa, trồng cau chi phí đầu tư thấp, tốn ít công chăm sóc. Với giá bán hiện tại, cau là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nhất ở địa phương. Gia đình ông đang mở rộng thêm diện tích trồng cau lên 2-4ha.
Ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước – cho biết, ông Hòa là 1 trong 6 hộ trồng cau ở xã Tiên Lãnh có thu nhập trên 1 tỷ đồng trong vụ cau năm nay.
Năm nay, từ đầu mùa, giá cau đã hơn 50.000 đồng/kg. Đến giữa tháng 10, giá cau lên đến trên dưới 100.000 đồng/kg, người dân rất phấn khởi. Giá cau cao giúp người dân có nguồn thu nhập cao, trang trải chi phí gia đình, lo con cái ăn học.
Cảnh báo người dân không nên đổ xô trồng cau
Giá cau đang ở mức cao nhưng ông Phùng Văn Chính cho biết, không phải năm nào giá cũng tốt như năm nay. Năm 2023 giá cau đầu vụ khoảng 30.000 đồng/kg, tuy nhiên đến cuối vụ chỉ còn 3.000 đồng/kg.
Ông Chính cho biết, khi giá cau xuống thấp, nhiều gia đình ở huyện Tiên Phước chặt bỏ cây cau để trồng cây khác hoặc để cau chín đỏ trên cây.
“Dân họ thấy cau giá cao nên đổ xô chạy theo trồng, khi giá xuống thấp người dân lại chặt bỏ, trồng cây khác. Cách đây khoảng 7 năm đã xảy ra tình trạng dân chặt bỏ cây cau rồi”, ông Chính chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước – cho biết, địa phương hiện có trên 2.000ha cây cau, trong đó có gần 1.100ha đang cho trái. Sản lượng hơn 17,5 tấn/ha, doanh thu từ cây cau năm nay đạt trên 670 tỷ đồng.
Vụ cau năm nay, huyện Tiên Phước có 10 gia đình có thu nhập trên 1 tỷ đồng từ cây cau, trong đó xã Tiên Ngọc 4 hộ, xã Tiên Lãnh 6 hộ.
Đối với việc trồng ồ ạt cau khi giá cao, chặt bỏ cau khi giá thấp, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết, huyện khuyến cáo người dân trồng cau theo quy hoạch, không nên trồng quá nhiều trên một diện tích mà nên trồng xen canh.
Theo lãnh đạo huyện Tiên Phước, một số hộ trồng xen canh cây ăn quả và cây cau. Cây ăn quả trồng ở giữa, cây cau được trồng quanh bờ. Cau là loại cây khó ngã đổ khi gió bão, do đó, người dân trồng cau với mục đích kép, vừa cho quả vừa làm trụ cột dây néo bảo vệ cây ăn quả.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm