Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa có văn bản gửi các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; các công đoàn ngành T.Ư và tương đương công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, thực hiện Công điện số 81/CĐ-TTg ngày 20.8 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 và Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường.
Theo đó, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức của đoàn viên, người lao động khi tham gia giao thông.
Với thông điệp “Tính mạng con người là trên hết”, đoàn viên, người lao động cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông; nhất là trong khu công nghiệp, khu kinh tế vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 và Tháng cao điểm về an toàn giao thông với việc bước vào năm học mới của học sinh, sinh viên trên cả nước khiến lưu lượng người tham gia giao thông tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông.
Tuyên truyền về việc cơ quan chức năng xử lý nghiêm việc đăng tải, chia sẻ các thông tin trên các nền tảng mạng xã hội vi phạm các quy định về quản lý, đăng tải, cung cấp thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng xấu đến việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp can thiệp, tác động vào công tác xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị công đoàn các cấp hướng dẫn phổ biến pháp luật, kỹ năng, văn hóa tham gia giao thông an toàn tới đoàn viên, công nhân lao động.
Thông tin tới đoàn viên người lao động thường xuyên cập nhật tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, các thông tin hỗ trợ về trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử uy tín; các trang thông tin chính thống của cơ quan thông tấn, báo chí.
Hướng dẫn đoàn viên, người lao động thực hiện văn hóa ứng xử, không chen lấn, xô đẩy, giữ gìn vệ sinh chung khi tham gia phương tiện giao thông; không phóng nhanh, vượt ẩu gây ùn tắc, mất an toàn đặc biệt trên đường cao tốc, điểm nóng giao thông, đường trong khu công nghiệp.
Đặc biệt, các cấp công đoàn cần phổ biến các thông điệp ngắn, dễ nhớ, dễ hiểu về luật An toàn giao thông tới đoàn viên, người lao động như “Đã uống rượu, bia – không lái xe”, “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”, “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện”, “Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô”, “Tuân thủ quy định tốc độ”.
Để tiếp nhận các thông tin, giải quyết, khắc phục kịp thời các vụ việc phát sinh khi có sự cố về giao thông, công đoàn cần công bố số điện thoại đường dây nóng của địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm tiếp nhận các thông tin, giải quyết, khắc phục kịp thời các vụ việc phát sinh khi có sự cố về giao thông. Trong trường hợp đoàn viên, người lao động xảy ra sự cố về giao thông, cần chủ động xây dựng phương án xử lý thông tin.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm