Quyết tâm học nghề vì chiếc máy cày cũ
Gắn bó với công việc đồng áng hàng chục năm qua, anh Đặng Văn Hai (thôn Nam Ninh, xã Nâm N’Đir huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) hiểu rõ những vất vả mà lao động nông thôn như anh đang gặp phải.
Thiếu kỹ thuật, phương tiện sản xuất cũ kỹ, xuống cấp nên hiệu quả sản xuất không như mong muốn. Suốt nhiều năm, cuộc sống của anh Hai và hàng chục hộ dân đồng bào Dao trong thôn vẫn rất khó khăn.
Hơn 3 tháng trước, anh Hai được tham gia Lớp sửa chữa máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô tổ chức.
Kết thúc khóa học, anh cùng 30 học viên khác đều tốt nghiệp và thành thạo các kỹ năng cơ bản khi sửa chữa máy nông nghiệp.
Anh Hai kể, trước đây gia đình có chiếc máy cày để làm đất trồng lúa, trồng khoai. Chiếc máy cày liên tục bị hỏng nên nhiều lần anh Hai phải thuê một chiếc xe tải cỡ lớn để chở máy ra trung tâm huyện để sửa với chi phí rất tốn kém.
“Cũng vì máy cày thường xuyên bị hỏng, tôi quyết tâm đi học lớp sửa chữa máy. Sau 3 tháng, bản thân tôi đã nắm bắt được nguyên lý hoạt động của máy, có thể sửa chữa một số lỗi trong quá trình làm việc”, anh Hai nói.
Trong suốt 3 tháng học, thay vì mang theo sách vở đến lớp, anh Hai và các học viên mang theo túi đồ nghề là cờ lê, tua vít… để trực tiếp thực hành. Nhờ thực hành ngay tại lớp học, các học viên đều thành thạo sửa chữa máy nông nghiệp sau ngày tốt nghiệp.
Nhiều người rủ nhau đi học nghề miễn phí
Anh Nịnh Văn Ninh, lớp trưởng Lớp sửa chữa máy nông nghiệp chia sẻ lớp có 30 học viên thì phần lớn là đồng bào Dao. Các học viên đã được trang bị kiến thức để phục vụ sản xuất của gia đình. Một số học viên đã có thêm nghề sửa chữa máy nông nghiệp, phục vụ nhu cầu người dân các xã lân cận.
Anh Ninh phấn khởi nói việc dạy nghề cho lao động nông thôn đã mang lại hiệu quả bước đầu, khi học viên đã biết áp dụng kiến thức vào thực tế, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.
“Hiện nay, nhu cầu học nghề của bà con rất lớn. Ngoài các lớp dạy sửa chữa máy nông nghiệp, nấu ăn, chúng tôi cũng có nguyện vọng học nghề trồng trọt hoặc chăn nuôi. Học nghề đã giúp nhiều hộ gia đình đồng bào Dao có cơ hội vươn lên thoát nghèo”, anh Ninh đánh giá.
Cũng quan điểm với anh Ninh, chị Nguyễn Thị Lực (thôn Đắk Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô) cùng cho rằng, kiến thức mang lại từ lớp học nghề trồng trọt giúp chị và 27 học viên khác sản xuất nông nghiệp khoa học và hiệu quả hơn.
“Từ kết quả đạt được trong thực tế, nhiều học viên đồng bào Thái, Dao, Tày, Nùng cũng đăng ký tham gia học nghề với mong muốn phát triển kinh tế gia đình”, chị Lực nói..
Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô, thông qua các lớp đào tạo nghề, lao động nông thôn đã tiếp cận, áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào quá trình sản xuất, giúp giảm được chi phí, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Phát huy kết quả đạt được, từ nay đến cuối năm 2023, huyện Krông Nô tiếp tục triển khai và nâng cao các lớp dạy nghề theo nhu cầu của người dân và sát với thực tế địa phương.
Ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô, cho biết thêm: “Tính từ đầu năm tới nay, đơn vị đã mở được 10 lớp sơ cấp nghề với hơn 340 học viên tham dự. Các lớp nghề dành cho lao động người dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply